Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bên hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qatar chọn lập trường trung lập về cuộc xung đột, nhưng đồng thời cũng bắn tín hiệu rằng có thể cung cấp hỗ trợ kinh tế và chính trị đáng kể cho các đối tác phương Tây.

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine đã mở ra cơ hội ngoại giao và thương mại cho nhà xuất khẩu khí đốt Qatar bán năng lượng cho phương Tây và củng cố quan hệ đồng minh với Washington trong bối cảnh Mỹ căng thẳng với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác.

Qatar chọn lập trường trung lập về cuộc xung đột, nhưng đồng thời cũng bắn tín hiệu rằng có thể cung cấp hỗ trợ kinh tế và chính trị đáng kể cho các đối tác phương Tây.

Quang cảnh khu thương mại ở Doha, Qatar, ngày 3/9/2021. Ảnh: Reuters
Quang cảnh khu thương mại ở Doha, Qatar, ngày 3/9/2021. Ảnh: Reuters

Với việc nhiều nước châu Âu khẩn trương tìm cách giảm phụ thuộc nặng vào Nga, Qatar đã gợi ý rằng họ có thể chuyển nhiều khí đốt hơn nữa sang châu Âu trong tương lai.

Ngược lại, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã phản đối lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng nhanh sản lượng dầu để kiềm chế giá dầu thô tăng vọt do cuộc xung đột ở Ukraine.

Hai cường quốc Ả Rập vùng Vịnh trong nhiều năm tìm cách cô lập Qatar, trong khi gia tăng căng thẳng với Washington. 

Trong khi đó Qatar, quốc gia có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, đã được chỉ định là một đồng minh lớn không thuộc NATO của Mỹ vào tháng trước - một vị thế mà cả UAE và Ả Rập Xê Út đều không được trao.

Qatar cũng nỗ lực đóng góp vào đàm phán hạt nhân Iran và đưa ra các thông điệp giữa Tehran và Washington. Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani hồi đầu tuần này đã gặp người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov.

Một ngày trước chuyến công du Moscow, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông cũng gặp những người đồng cấp ở Đức và Pháp, các bên tham gia cuộc đàm phán Iran cùng với Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga.

Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Lavrov đã rút lại một số yêu cầu trước đó đã khiến các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran bị đình trệ.

Mehran Kamrava, giáo sư tại Đại học Georgetown ở Qatar, cho biết: “Có vẻ như Qatar đã đóng một vai trò trong các cuộc thảo luận bên lề cuộc đàm phán Iran".

Mặc dù trong những năm gần đây, giống như Riyadh và Abu Dhabi, Doha đã tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với Moscow, nhưng nước này vẫn duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ với Washington.

Nằm trong số các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Qatar là một trong những quốc gia giàu nhất trên đầu người và là nơi sinh sống của gần 3 triệu người, 85% trong số đó là lao động nước ngoài.

Trên trường quốc tế, Qatar đóng vai trò trung tâm là tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan dẫn đến thỏa thuận rút quân của Mỹ vào năm 2020.

Hiện Qatar vẫn là một liên kết thiết yếu giữa các quốc gia phương Tây và chính phủ do Taliban lãnh đạo, tổ chức các phái đoàn ngoại giao phương Tây tới Afghanistan và thậm chí đưa các quan chức bay tới Kabul, nơi có sân bay mà Qatar giúp quản lý và kiểm soát.

"Cơ hội hấp dẫn"

Khi Qatar quyết định tăng sản lượng LNG vào năm 2027 đã đặt ra nghi ngại về khả năng tìm bạn hàng của nước này.  Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ và giá nhiên liệu gia tăng hiện nay, các nhà lãnh đạo phương Tây đang thúc giục Qatar tăng cường cung cấp cho châu Âu vì lo ngại trước Nga - nguồn cung khoảng 30-40% nhu cầu khí đốt của Lục địa già. 

Justin Alexander, giám đốc Khalij Economics, một công ty tư vấn tập trung vào Vùng Vịnh, cho biết: “Mối quan tâm mới trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu mang đến cơ hội to lớn cho Qatar để bán nguồn cung mới khổng lồ sắp ra mắt”.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi gần đây nhấn mạnh có lượng LNG mới dành cho các khách hàng ở châu Á và châu Âu, trong khi trước đó phát thông điệp rằng lượng khí đốt bổ sung phần lớn dành cho châu Á.