Bên mạo hiểm, phía chủ quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi ở Hy Lạp về những điều kiện mà Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt cho Hy Lạp để cứu nước này thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công không bất ngờ khi cử tri bác bỏ những điều kiện nói trên của EU, ECB và IMF.

Mọi thăm dò dư luận ở Hy Lạp trước cuộc trưng cầu dân ý đều báo hiệu kết quả ấy. Nhưng nó lại gây bất ngờ ở những con số cụ thể. Hơn 61% cử tri nước này ủng hộ chính phủ của họ chứ không đứng về phía EU, ECB và IMF. Với hơn 60%, tỷ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý lại rất cao khi chỉ cần 40% cử tri tham gia cũng đã đủ để làm cho cuộc trưng cầu dân ý có giá trị hiệu lực pháp lý như quy định trong hiến pháp hiện hành. Mức độ bất ngờ càng sâu đậm bởi tất cả các bên liên quan, từ chính phủ và cử tri ở Hy Lạp đến các đối tác bên ngoài kia, đều ý thức được rất rõ về hậu quả, tác động và hệ lụy của kết quả trưng cầu dân ý - bất kể kết quả ấy như thế nào.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại một điểm bỏ phiếu. 	Ảnh: ReuterThủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Reuter

Cử tri Hy Lạp không chấp nhận cách thức và triết lý mà EU, ECB và IMF đã vận dụng trong việc giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công. Họ không chấp nhận đánh đổi việc được EU, ECB và IMF cứu trợ tài chính để nhà nước không bị phá sản lấy những khó khăn về xã hội và sa sút về mức sống đối với chính mình. Bên cạnh đó còn có tâm lý bị EU, ECB và IMF làm cho bị tổn hại về thể diện, bị dắt mũi và tương lai lệ thuộc vào sự bố thí của EU, ECB và IMF, như thế còn có nghĩa là không được bình đẳng và tôn trọng thực sự.

Chính phủ Hy Lạp đã thắng trong một cuộc chơi rất mạo hiểm. Cả tương lai của nước này đã được Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cá cược trong cuộc chơi ấy với EU, ECB và IMF. Khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ, phải ra khỏi EU và Nhóm Euro được ông Tsipras sử công cụ hoá để gây áp lực buộc ba đối tác kia phải nhượng bộ, bất kể hậu quả của kịch bản này mà giờ hoàn toàn vẫn có thể xảy ra là đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn về tài chính và tiền tệ, suy thoái kinh tế, bất ổn định trên chính trường và trong nội bộ xã hội. Bây giờ, ông Tsipras phải tìm cách khắc phục những tác động mạo hiểm này.

Trong khi đó, EU, ECB và IMF dường như đã quá chắc thắng và quá chủ quan trong đàm phán với Chính phủ mới ở Hy Lạp. Họ đã đánh giá quá thấp ông Tsipras và đã quá sơ cứng trong tư duy tiếp cận giải pháp cho khủng hoảng tài chính và nợ công ở châu Âu. Họ chỉ coi trọng yêu cầu tiết kiệm chi tiêu, bắt phải thắt lưng buộc bụng bằng mọi giá mà quên mất rằng người dân chứ không phải Chính phủ ở Hy Lạp gánh chịu trực tiếp. Họ đã quá tin tưởng rằng dân Hy Lạp vì muốn ở trong EU và Nhóm Euro, vì cần được tiếp tục cứu trợ tài chính mà sẽ chịu nghe lời EU, ECB và IMF. Bây giờ, cả hai phía phải chơi lại từ đầu ván bài cũ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần