Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện loay hoay tự chủ tài chính - Bài cuối: Không để các bệnh viện “tự bơi”

Hải Lý (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù còn những khó khăn ở phía trước, nhưng vì sự phát triển bền vững cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện (BV).

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Năm 2018, thêm 25 bệnh viện tự chủ
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền

Ông có thể cho biết về chủ trương tự chủ tài chính tại các BV công lập trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian tới?

- Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện, đến hết năm 2017 có 5 BV tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên là: BV Tim, Phụ sản, Ung bướu Hà Nội, BV Đa khoa Hòe Nhai và Đa khoa Xanh Pôn.

Theo lộ trình đến năm 2020, các BV công lập của Hà Nội thực hiện tự chủ chi thường xuyên, trừ 5 BV chuyên khoa đặc thù: Tâm thần Hà Nội, Tâm thần Mỹ Đức, Tâm thần ban ngày Mai Hương, BV 09, Da liễu Hà Nội và 2 BV đa khoa hạng III (Mỹ Đức, Phúc Thọ).

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ trong các cơ sở sự nghiệp công lập (trong đó có các BV), năm 2018, Sở Y tế chỉ đạo 25 BV xây dựng kế hoạch thực hiện tự chủ. Sở yêu cầu các BV rà soát nguồn thu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, cân đối thu - chi. Với những BV khó khăn về nguồn thu (BV xa trung tâm, lượng bệnh nhân ít) chưa thể tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, Sở Y tế đề xuất với UBND TP sẽ cấp bù từ ngân sách cho phần chi thường xuyên thiếu hụt.

Nhiều BV tuyến dưới khó khăn nếu thực hiện tự chủ tài chính, liệu có nên để họ “tự bơi” trong cơ chế thị trường hay Nhà nước bao cấp một phần?

- Chúng ta cần phải hiểu đúng tinh thần trong các Nghị định của Chính phủ. Thứ nhất, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các BV nhằm huy động được nguồn vốn của xã hội để đầu tư cho hệ thống BV công. Thứ hai, giao tự chủ giúp đổi mới phương thức quản lý BV, vì thực tế hiện nay hầu hết lãnh đạo các BV công đều thiếu chuyên môn quản lý, tự chủ tài chính sẽ làm cho cơ chế quản lý minh bạch, khoa học hơn.

Khi thực hiện tự chủ, Nhà nước sẽ giảm gánh nặng đầu tư cho các BV và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần để phục vụ an sinh xã hội tốt hơn như: y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nhân lực.

Việc giao tự chủ cho BV không có nghĩa là để các BV “tự bơi” trong cơ chế thị trường, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các BV phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Những BV công thuộc khu vực khó khăn, BV công thuộc lĩnh vực chuyên khoa đặc thù như: Tâm thần, Phong, HIV/AIDS, Nhà nước vẫn “bao cấp” để đảm bảo chính sách an sinh, xã hội.

Thưa ông, thay đổi thái độ phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế, khi các BV tự chủ tài chính, ông kỳ vọng sự thay đổi này ở các BV thế nào?

- Tự chủ tài chính có nghĩa là tự chủ về thu - chi. Muốn có nguồn thu phải thu hút được người bệnh, muốn thu hút phải thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân, nâng chất lượng khám chữa bệnh, đây là yêu cầu cấp thiết của BV và ngành y tế.

Những năm qua, các BV đã quyết liệt thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” bằng nhiều giải pháp. Trong đó, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, tuyên truyền, giáo dục cán bộ y tế thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập tổ, phòng công tác xã hội trong các BV nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị;... Song song với đó, các BV tăng cường nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay từ tuyến dưới. Những cố gắng của ngành y tế được người dân ghi nhận, tạo niềm tin cho người bệnh về những đổi mới của ngành y tế cả về tinh thần phục vụ và năng lực chuyên môn.

Sẽ hoạt động như doanh nghiệp

Người dân lo ngại khi tự chủ tài chính, sẽ xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như BV tìm mọi cách trục lợi BHYT, “tận thu” của bệnh nhân để tăng thu, tăng lợi nhuận. Vậy, Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý ra sao?

- Việc giao quyền tự chủ cho các BV công, không có nghĩa BV muốn làm gì thì làm, bởi lẽ, khi được giao quyền tự chủ về tài chính sẽ khó tránh được trường hợp BV lấy chi phí từ dịch vụ bù đắp cho các hoạt động và có thể có tình trạng trục lợi BHYT để tăng nguồn thu.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như sự hài hòa lợi ích của BV, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo các BV thực hiện nghiêm quy định về khám, chữa bệnh BHYT và quy định của pháp luật về quản lý tài chính. Trong thời gian tới, song song với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cần thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và BV; phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Thăm khám, kiểm tra thông số của bệnh nhân tại Bệnh viện Thận Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải `

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, các BV cần thay đổi tư duy quản lý BV để hoạt động BV như một DN, giám đốc BV không nhất thiết phải là GS.TS, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này, và Hà Nội có chủ trương thay đổi cách quản lý BV như một DN hay không?

- Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm của hoạt động y tế là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, thị trường dịch vụ y tế cần phải được tổ chức, quản lý đặc biệt. Lĩnh vực y tế cần có sự chuyển đổi từ mô hình quản lý để phục vụ sang phục vụ để quản lý. Phục vụ trong lĩnh vực y tế là phục vụ người bệnh. Tôi cho rằng, mô hình quản lý BV xét trên khía cạnh thị trường, giám đốc BV phải có kỹ năng, năng lực quản lý toàn diện, không nhất thiết phải là người giỏi về chuyên môn y tế, nhưng cũng cần có hiểu biết về đặc thù chuyên môn trong quản lý BV. Quản lý BV công có thể vận dụng mô hình quản lý DN, nhưng là DN đặc biệt, phi lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!