70 năm giải phóng Thủ đô

“Bếp đám mây” bùng nổ tại châu Á giữa đại dịch Covid-19

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch vụ “bếp đám mây" - đơn giản chỉ là một căn bếp, không có nhà hàng với không gian thật, mà chỉ hoạt động hoàn toàn trên nền tảng giao hàng trên mạng, đang bùng nổ khắp châu Á.

Mô hình “căn bếp ma” hay “bếp đám mây” chỉ phục vụ đồ ăn mang đi đang dần trở thành xu hướng mới tại nhiều nước châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Nhu cầu tăng đột biến
Trước khi đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng đối với ngành nhà hàng toàn cầu, dịch vụ giao đồ ăn nhanh cho khách thay vì thưởng thức tại nhà hàng đã manh nha phát triển. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều nước áp lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu đối với dịch vụ này ngày càng tăng cao tại châu Á.
 Just Kitchen mới bắt đầu vận hành mô hình bếp đám mây đầu tiên ở Đài Loan (Trung Quốc) từ đầu năm 2020. Hiện công ty đã có 17 cơ sở khắp hòn đảo. Ảnh AFP 
Sự bùng nổ các ứng dụng giao đồ ăn đã khiến khách hàng quen với việc có thể gọi các món ăn chất lượng như tại nhà hàng nhưng được giao tận nhà một cách nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngày càng có nhiều nhà hàng thiết kế mô hình “bếp đám mây”.
“Đại dịch thực sự đã thúc đẩy mô hình này phát triển vượt bậc, điều đó đã thực sự giúp ích cho chúng tôi”, Jason Chen - giám đốc điều hành Just Kitchen, chia sẻ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, những căn bếp đám mây đã bùng nổ tới mức nhiều tòa nhà đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang cho thuê không gian bếp. Với những người kinh doanh dịch vụ "bếp đám mây", đây là cách tiết kiệm chi phí và thích ứng với nhu cầu của khách hàng trong thời kỳ đại dịch. Ông David Sul, Giám đốc dịch vụ “bếp đám mây” 5Km Kitchen, Hàn Quốc chia sẻ: "Dịch vụ của chúng tôi hoạt động khá ổn trong thời kỳ đại dịch và kể cả sau đại địch nữa, bởi có rất nhiều hộ gia đình Hàn Quốc bận rộn với công việc và thường thích gọi đồ ăn giao đến nhà".
Ông Park Chan-chul - Giám đốc dịch vụ "bếp đám mây" Chairi, Hàn Quốc, cho biết: "Tôi đã tính mở một nhà hàng nhưng chi phí quá tốn kém, vì vậy tôi quyết định thuê 'bếp đám mây' nhờ giá thành hợp lý hơn và cũng là nơi để tôi kiểm định khả năng của mình".
Hoạt động của dịch vụ “bếp trên mây” cũng nở rộ tại nhiều nơi khác ở châu Á, như Singapore, Thái Lan. Do dịch Covid-19, nhiều chuỗi nhà hàng lớn cũng chuyển đổi mô hình hoạt động sang hẳn dịch vụ "bếp đám mây" như một cách sinh tồn của ngành ẩm thực trong thời kỳ khó khăn.
Central Restaurant Group, công ty vận hành KFC ở Thái Lan, đang cân nhắc đầu tư 16 triệu USD để mở 100 “bếp đám mây” cho tới năm 2024. Central Restaurant Group kỳ vọng có thể thu về doanh thu 48 triệu USD hàng năm từ mảng giao đồ ăn khi các “bếp đám mây” đã được hoàn thiện.

Cứu cánh cho cho doanh nghiệp nhà hàng
Just Kitchen mới bắt đầu vận hành mô hình “bếp đám mây” đầu tiên ở Đài Loan (Trung Quốc) từ đầu năm 2020. Hiện công ty đã có 17 cơ sở khắp hòn đảo, một tại Hồng Kông và đang muốn mở rộng sang Philippines và Singapore cuối năm nay.
Những công ty khổng lồ trong ngành giao hàng tại khu vực châu Á cũng nắm bắt xu hướng này và mở thêm nhiều “bếp đám mây” khắp Đông Nam Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

 Một tài xế nhận đơn đặt hàng từ bếp đám mây của tập đoàn iBerry ở Bangkok, Thái Lan ngày 25/8/2021. Ảnh: AFP

Theo báo cáo của Researchchandmarkets.com, ngành công nghiệp “bếp đám mây” trên toàn cầu dự kiến tăng trưởng hơn 12% mỗi năm, trị giá khoảng 139,37 tỷ USD vào năm 2028. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi sinh sống của 4,3 tỷ người, chiếm khoảng 60% thị phần quốc tế.
Đối với nhiều người sống tại các thành phố đông dân với mức sống đắt đỏ trong khu vực, việc ăn uống hàng ngày từ các nhà hàng giá rẻ hoặc quán ăn bình dân sẽ phù hợp với túi tiền và khả thi hơn nấu ăn tại nhà.
Công ty nghiên cứu Euromonitor ước tính, có khoảng 7.500 “bếp đám mây” đang vận hành tại Trung Quốc, 3.500 tại Ấn Độ, cao hơn rất nhiều so với con số 1.500 tại Mỹ và 750 ở Anh.
Trong phần lớn năm ngoái, do dịch Coivd-19 lây lan, Natalie Phanphensophon buộc phải chuyển hướng hoạt động kinh doanh của đế chế nhà hàng do gia đình cô làm chủ trong hàng chục năm qua thành hình thức bán đồ ăn mang đi. Gia đình cô Natalie sở hữu chuỗi nhà hàng Mango Tree & Coca nổi tiếng tại Thái Lan, nhiều cửa hàng nằm trong trung tâm mua sắm giá thuê đắt đỏ nhưng vắng khách do dịch bệnh.
Đầu năm nay, gia đình Natalie đã mở “bếp đám mây” đầu tiên tại ngoại ô thủ đô Bangkok và lên kế hoạch mở thêm 2 căn nữa. Natalie chia sẻ rằng bán đồ ăn mang đi mang lại lợi nhuận ít hơn, vì mọi người thường không gọi nhiều món như khi ăn ở nhà hàng. Tuy nhiên, chi phí vận hành của việc bán đồ ăn mang đi thấp hơn nhiều.
iBerry Group, công ty điều hành các nhà hàng và cửa hàng kem tại đa số trung tâm thương mại tại Thái Lan, cũng mở một trung tâm giao hàng tận nơi. “Bếp đám mây về cơ bản là mặt nạ dưỡng khí cho chúng tôi trong thời kỳ dịch Covid-19”, ông Thitanun Taveebhol - giám đốc thương hiệu của iBerry Group, cho biết.
Trong khi các tập đoàn và chuỗi nhà hàng chuyển hướng sang giao đồ ăn, các bếp tự phát của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng nở rộ.
Các chuyên gia nhận định rằng đây là một hướng đi an toàn. Nailul Huda, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và tài chính có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho biết chi phí vận hành thấp hơn và thói quen đặt hàng của thế hệ trẻ am hiểu công nghệ sẽ đảm bảo tăng trưởng liên tục cho ngành này.
“Mọi người vẫn sẽ tiếp tục gọi đồ ăn mang về kể cả sau đại dịch và tôi cho rằng "bếp trên mây” vẫn có nhiều tiềm năng phát triển ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt”, ông Huda nhận định.
Theo Giám đốc điều hành Jason Chen của Just Kitchen, đại dịch đã thay đổi cách mọi người đặt đồ ăn, từ thưởng thức trực tiếp sang giao đến cửa nhà. "Một khi bạn đã làm điều đó, bạn đã trở nên quen thuộc với nó và khó có thể bỏ qua vì sự tiện lợi. Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng của ngành này", ông Chen cho biết.
Vào thời điểm ngành dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề, những “căn bếp ma” giúp đầu bếp, tài xế giao hàng và nhà bán buôn có công việc mưu sinh. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh là "núi" rác thải nhựa khổng lồ.
Một nghiên cứu gần đây ở Bangkok cho thấy rác thải nhựa đã tăng gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch, một phần do dịch vụ giao đồ ăn./.