Bất chấp sự phục hồi ngắn ngủi vào tháng 10, các chuyên gia tài chính Đức vẫn tỏ ra lo ngại trước những thách thức dai dẳng mà liên minh chính phủ Đức đang phải đối mặt cũng như sự thiếu rõ ràng trong chính sách thương mại của ông Trump.
Theo báo cáo, chỉ số tâm lý kinh tế ZEW, theo dõi kỳ vọng của hơn 300 nhà kinh tế, chủ ngân hàng, đã giảm từ 13,1 điểm vào tháng 10 xuống còn 7,1 điểm vào tháng 11, thấp hơn mức kỳ vọng 13 điểm. Đây là lần thứ hai trong năm 2024 chỉ số ZEW giảm xuống mức thấp như vậy, phản ánh những lo ngại về bất ổn kinh tế Đức. Ngoài ra, chỉ số tình hình hiện tại của ZEW, phản ánh quan điểm của các chuyên gia thị trường về tình hình kinh tế hiện tại, cũng giảm 4,5 điểm xuống còn -91,4 điểm.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang Đức công bố vào thứ Ba (ngày 12/11), mức lạm phát cơ bản của nước này đã tăng lên 2% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mức 1,6 % trong tháng 9. Lạm phát kéo dài đang đè nặng lên nền kinh tế Đức và khu vực đồng euro.
Triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro cũng giảm khi căng thẳng chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng. Chỉ số tâm lý kinh tế ZEW của khu vực đồng euro giảm từ 20,1 điểm trong tháng 10 xuống còn 12,5 điểm vào tháng 11, thấp hơn mức kỳ vọng 20,1 điểm của thị trường.
Theo ông Achim Wambach, Chủ tịch ZEW, tâm lý kinh tế của Đức phản ánh những lo ngại đang diễn ra về rủi ro chính trị và thương mại, đặc biệt liên quan đến những diễn biến gần đây tại Mỹ.
Ông Wambach nhận định triển vọng kinh tế của Đức đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến thắng của ông Trump cũng như những khó khăn mà chính phủ liên minh Đức đang phải đối mặt. Trong khi tại Mỹ, tâm lý kinh tế đang dần được cải thiện, Trung Quốc và khu vực đồng euro lại chứng kiến tình cảnh ngược lại khi mọi thứ ngày càng khó khăn hơn.
Chuyên gia này nhấn mạnh những thách thức kinh tế của Đức đang gia tăng do căng thẳng địa chính trị, trong đó, chính sách thương mại của ông Trump có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Wambach cho rằng trong khi châu Âu đã được hưởng lợi từ thị trường mở cửa, thành viên Đảng Cộng hòa lại có ý định áp đặt mức thuế cao hơn và giảm thuế cho doanh nghiệp tại Mỹ. Điều này có thể buộc các công ty châu Âu phải điều chỉnh chiến lược sản xuất và xuất khẩu, thậm chí buộc phải chuyển hoạt động sang Mỹ thay vì giao sản phẩm hoàn thiện đến thị trường này.
Ông Wambach nhấn mạnh Đức hiện cần một chính phủ chủ động triển khai các chính sách đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng và tập trung vào an ninh kinh tế châu Âu. Ông cảnh báo nếu quốc gia này chỉ duy trì chủ nghĩa bảo thủ tài chính thì sẽ không thể giải quyết được những vấn đề về cấu trúc kinh tế hiện tại.
Tâm lý lo ngại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn tác động lên các thị trường tài chính. Chỉ số DAX của Đức giảm 0,7% trong phiên giao dịch thứ Ba, sau đó là các số lớn khác của Châu Âu như Euro STOXX 50 cũng giảm 0,7%. Bayer AG – công ty dược phẩm và khoa học cây trồng – đã chứng kiến cổ phiếu giảm hơn 11% do kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và hạ dự án doanh thu.
Tại Pháp, chỉ số CAC 40 giảm hơn 1%, trong đó cổ phiếu của các công ty Kering và LVMH giảm lần lượt 4,6% và 2,2% khi các nhà đầu tư cảnh giác với các hạn chế thương mại mà ông Trump đề xuất, có thể gây tổn hại đến xuất khẩu của châu Âu sang các thị trường trọng điểm, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong khi đó, đồng euro tiếp tục trượt giá so với đồng USD, giảm 0,4% xuống mức thấp nhất trong bảy tháng, khoảng 1,06 USD. Đồng tiền chung của châu Âu đã mất giá trong bảy ngày tháng tám qua, chủ yếu là do những lo ngại về các chính sách thương mại của ông Trump như hạn chế xuất khẩu và kích thích tăng trưởng trong nước, nhằm củng cố đồng USD.