Câu hỏi
“Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi, trong trường hợp bị thu bằng lái xe ô tô, nếu sử dụng bằng của người khác sẽ bị xử lý thế nào?” - Nguyễn Văn Nam, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trả lời
Theo quy định của pháp luật, khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thì tài xế phải có giấy phép lái xe. Vì rất nhiều lý do như làm mất, chưa đủ tuổi; hay bị xử phạt do vi phạm pháp luật an toàn giao thông mà nhiều người bị tước giấy phép lái xe có thể lên tới 24 tháng. Vì vậy, hiện nay có các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe không chính chủ để tránh việc bị phạt. Tuy nhiên, hành vi này khó qua nổi việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, bởi trên mỗi giấy phép lái xe đều có ghi đầy đủ thông tin kèm ảnh nhận dạng của chủ giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về điều khiển xe trong thời hạn tước giấy phép lái xe như sau: Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Như vậy, theo quy định trên thì các trường hợp đang bị tước giấy phép lái xe, nếu tiếp tục điều khiển xe dù có sử dụng giấy phép lái xe của người khác vẫn bị xử phạt với lỗi không có giấy phép lái xe.
Theo đó, người điều khiển xe không có giấy phép lái xe sẽ bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng theo quy định khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Chính vì vậy, đối với những trường hợp đang bị xử phạt mà vẫn cố tình vi phạm pháp luật là có thái độ chống đối, coi thường pháp luật, lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý theo đúng quy định với những trường hợp vi phạm này để tạo được tính răn đe chung.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn