Biến chứng nguy hiểm từ ngộ độc rượu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tụ tập vui chơi, ăn uống của người dân giảm bớt khá nhiều. Tuy nhiên vẫn còn không ít trường hợp phải nhập viện vì “ma men”, ngộ độc methanol trong thời điểm tháng Giêng, mùa lễ hội Xuân 2022.

Bệnh nhân ngộ độc methanol được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC  
Bệnh nhân ngộ độc methanol được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC  

Ngày 9/2, bác sĩ Lê Tiến Dũng – Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện (BV) Bãi Cháy, Quảng Ninh cho biết, BV đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân B.V.Đ. (SN 1955, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử Gout, uống rượu nhiều năm bị xuất huyết não đa ổ do di chứng của ngộ độc methanol.

Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tích cực do ngộ độc rượu methanol tại Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, BV Bãi Cháy. Chỉ sau 5 ngày xuất viện, bệnh nhân tiếp tục được chuyển cấp cứu tại BV trong tình trạng sốt cao từng cơn, ý thức chậm dần. Kết quả xét nghiệm có tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng. Hình ảnh chụp CT scaner sọ não có nhiều ổ xuất huyết nhu mô bán cầu đại não hai bên.

Dựa trên thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do xuất huyết não, di chứng ngộ độc mathanol. Bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, kiểm soát huyết động…, tiên lượng tình trạng nặng, nguy cơ tử vong cao.

“Methanol là cồn công nghiệp có độc tính rất cao. Methanol dung nạp trong cơ thể được chuyển hóa thành formaldehyde và formic acid, gây toan chuyển hóa máu, tổn thương đa cơ quan như não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác, gan, thận... Người ngộ độc methanol sẽ có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ý thức lơ mơ, mù hoặc mù vĩnh viễn, hôn mê sâu, suy đa tạng (suy thận, suy gan…)… thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị giải độc kịp thời” - bác sĩ Dũng cảnh báo.

Tuy không phải là ca ngộ độc rượu nhưng vào cuối tháng 12/2021, Khoa Ngoại Tổng hợp, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị một ca bệnh hy hữu, hiếm gặp trong y văn. Bệnh nhân bị vỡ bàng quang dẫn đến viêm phúc mạc sau một “trận bia” cùng bạn bè. Theo bệnh án chuyển tuyến cho biết, một nam bệnh nhân 29 tuổi, sau một “trận bia” cùng bạn bè có trở về nhà trong tình trạng say. Đến 2 giờ sáng, người đàn ông này muốn đi tiểu nhưng đau buốt, không thể đi nổi, cố chịu đến sáng để đi BV.

Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được thăm khám lâm sàng và chỉ định làm các xét nghiệm, đánh giá cận lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là vỡ bàng quang - viêm phúc mạc và được chỉ định phẫu thuật.

Bác sĩ Vương Xuân Thủy - BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện được phẫu thuật cấp cứu ngay, nhưng do đến viện muộn nên đã bị viêm phúc mạc. Các bác sĩ của kíp phẫu thuật đã hút được khoảng 2 lít dịch, nước tiểu trong khoang bụng và phẫu thuật tạo hình bàng quang. Chấn thương lúc bàng quang căng đầy là chấn thương thường gặp ở những bệnh nhân uống nhiều rượu bia rồi bị té ngã hoặc bị tai nạn.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần cho những người sử dụng. Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (có quá nhiều axít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.

“Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Đơn cử, loại rượu chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất, người phân phối để họ sẵn sàng chịu trách nhiệm. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm sau Tết” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mùa lễ hội Xuân 2022, Cục ATTP, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân năm 2022. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra bảo đảm ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ Nhân dân, du khách; thực hiện xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về ATTP theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần