Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến chủng Omicron đe dọa gì đến kế hoạch “mở cửa bầu trời”?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến thể Omicron của Covid-19 đang trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với ngành hàng không mà trực tiếp là tham vọng mở rộng cửa bầu trời cho các hãng bay đang rất chờ đợi.

Biến chủng Omicron đang trở thành mối đe dọa với hàng không toàn cầu. (Ảnh: Xuân Hưng).
Theo các chuyên gia, biến chủng Omicron sẽ gây ra trở ngại cho kế hoạch mở rộng cửa bầu trời, nhưng kế hoạch này vẫn cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng và từng bước.
Lên sẵn kế hoạch “mở cửa bầu trời”
Trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, kế hoạch nối lại đường bay quốc tế đã được Bộ GTVT nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ. Theo phương án mà cơ quan này trình Chính phủ, kế hoạch “mở cửa bầu trời” sẽ được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ quý I/2022 với đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia.
Trong giai đoạn này, tần suất khai thác dự kiến là 4 chuyến cho mỗi nước, vùng lãnh thổ. Bộ GTVT ước tính, tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không trong giai đoạn trên khoảng 12.000 người/tuần.
Hành khách được tham gia các chuyến bay trên phải đáp ứng điều kiện là iêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí, còn khách chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày.
Giai đoạn 2 dự kiến từ quý II/2022, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine. Các thị trường triển khai theo nhu cầu của hãng hàng không với tần suất dự kiến 7 chuyến mỗi tuần cho mỗi nước.
Hành khách có hộ chiếu vaccine sẽ tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khách không có hộ chiếu vaccine phải cách ly tập trung 14 ngày, có thu phí.
Riêng giai đoạn 3, Bộ GTVT dự kiến thực hiện từ quý III/2022. Khi đó việc khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ với tần suất theo nhu cầu của hãng hàng không.
Bộ GTVT thận trọng, các hãng bay sốt sắng
Trước lo ngại về việc biến chủng Omicron sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, Bộ GTVT cho biết, việc nối lại đường bay quốc tế là mong muốn của không chỉ các hãng hàng không mà còn của các đơn vị khai thác cảng hàng không trong nước. Hiện các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tiếp đón các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang khiến nhiều quốc gia thận trọng hơn. Trong khi đó, việc mở lại đường bay quốc tế cần sự đồng thuận giữa các nước liên quan. Đặc biệt, quyết định mở lại đường bay thương mại quốc tế phải dựa trên khả năng phòng chống dịch trong nước, tỷ lệ tiêm vaccine người dân; sự đồng thuận của các quốc gia, vùng lãnh thổ về việc kết nối đường bay, phương thức kiểm dịch...
"Việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu khách quan, không chỉ riêng Việt Nam mà của các nước trên thế giới. Chúng tôi đang phối hợp với các bộ liên quan hoàn thành kế hoạch, xác định lộ trình" - lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Kế hoạch ''mở cửa bầu trời'' vẫn cần tiếp tục nhưng thực hiện thận trọng và từng bước. (Ảnh: Lê Thanh).
Về phía các DN hàng không, mới đây, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế. Trong văn bản trên, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định nếu triển khai chậm và việc mở cửa dần cho khách quốc tế từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt thì Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm trên, đại diện Vietjet Air cũng cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay rất cần thiết, đặc biệt với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19.
Vẫn nên triển khai kế hoạch mở cửa bầu trời
Trước mối lo ngại về biến chủng Omicron sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, giới chuyên gia cũng có cái nhìn thận trọng. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không nhận định, hiện nay chúng ta vẫn chưa đánh giá được hết độ nguy hiểm và những diễn biến khó lường mà biến chủng Omicron có thể gây ra, do đó việc nối lại các đường bay quốc tế cũng cần được xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Chuyên gia hàng không này đánh giá cao việc Bộ GTVT thực hiện rà soát và làm việc lại với các quốc gia để thống nhất phương án mở lại đường bay quốc tế sau khi biến thể Omicron xuất hiện và coi đây là việc làm cần thiết vào lúc này. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, kế hoạch “mở cửa bầu trời” vẫn cần triển khai nhưng nên thực hiện từng bước một.
Trước tiên, có thể cân nhắc mở lại đường bay quốc tế với những nước “an toàn”, tức là chưa có sự xuất hiện của chủng mới Omicron và tình hình dịch bệnh Covid-19 ở quốc gia đó đã được kiểm soát. Ngoài ra, có thể thực hiện các chuyến bay “hộ chiếu vaccine” như một số hãng hàng không thực hiện thành công trong thời gian qua.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron chúng ta cần nêu cao sự cảnh giác, đặc biệt với những trường hợp người đi đến từ các nước châu Phi đang có dịch qua đường hàng không, theo đó, những hành khách nhập cảnh vẫn cần theo dõi y tế sát sao. Tuy nhiên, cũng không nên vì biến chủng này mà dừng kế hoạch nối lại những đường bay quốc tế.
“Tôi cho rằng, chúng ta vẫn có thể mở những đường bay quốc tế, cùng với việc tăng cường những biện pháp nghiêm ngặt về an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho đường hàng không. Đặc biệt, theo dõi y tế sát sao với người nhập cảnh, người đến từ những nước đã xuất hiện biến chủng mới” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

“Với hoạt động đi lại trong nước, về cơ bản, chúng ta đang tiến hành mở cửa theo Nghị quyết 128. Biện pháp đặt lên hàng đầu là kiểm soát người đi từ vùng có dịch, đặc biệt là người ở vùng dịch nguy cơ cao và rất cao. Việc tiến hành xét nghiệm tất cả hành khách bay nội địa, kể cả người đi từ vùng xanh sẽ gây tốn kém và phát sinh nhiều bất tiện. Vì thực tế, số lượng người đi lại trong nước rất lớn chứ không chỉ riêng bằng đường hàng không. Để đảm bảo an toàn chống dịch thì ý thức phòng, chống dịch của người dân vẫn là trên hết, đặc biệt là tuân thủ 5K”.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu