Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biển Đông: Ẩn ý trong tuyên bố răn đe Trung Quốc mới nhất của Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Washington Examiner (WE) nhận định, tuyên bố ngày 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự thay đổi chính thức trong chính sách của Washington, khi hướng đến việc thiết lập một nền tảng pháp lý bền vững cho khả năng hành động quân sự chống lại Bắc Kinh ở Biển Đông.

Thông báo của Bộ ngoại giao Mỹ dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trở lại những lần Mỹ lên án các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trước đây, Washington được cho vẫn chủ trương kêu gọi đàm phán khu vực để thiết lập chủ quyền. Tuy nhiên, tuyên bố lần này dường như hướng đến một cách tiếp cận khác, trong đó chủ động bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Bắc Kinh.
"Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong tuyên bố ngày 13/7.
Theo lập luận của Mỹ, "chiến dịch bắt nạt" này bao gồm "sự quấy rối ngư dân Philippines và hoạt động phát triển năng lượng ngoài khơi", cũng như "bất kỳ hành động đơn phương nhằm khai thác các tài nguyên đó".
Mỹ cũng thể hiện lập trường tương tự đối với bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và quần đảo Natuna ngoài khơi Indonesia, khi nhấn mạnh rằng "bất kỳ hành động quấy rối các quốc gia khác đánh bắt cá, phát triển năng lượng ở những vùng biển này, hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương sẽ là bất hợp pháp".
Và ngôn ngữ của Washington được cho có nhiều ẩn ý.
Chính quyền Tổng thống Trump không chỉ đơn giản bác bỏ các yêu sách và hành động phi pháp lâu nay của Bắc Kinh, mà nay còn gợi ý rằng các quốc gia khác trong khu vực có quyền lợi chính đáng hơn nhiều đối với Biển Đông.
Ông Pompeo còn nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc không chỉ bất hợp pháp về mặt pháp lý, mà còn vô lý trong thực tế, điển hình là qua tuyên bố: "Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hoặc hàng hải hợp pháp đối với bãi ngầm James - một địa điểm chìm hoàn toàn dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý".
Đặc biệt tại đây, theo tiết lộ của tờ Wall Street Journal, có một cáo buộc đanh thép hơn đã bị xóa khỏi bản dự thảo cuối cùng của tuyên bố, trong đó chỉ trích các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất đối với tự do biển cả trong lịch sử hiện đại".
Hơn hết, theo WE, việc xác định cơ sở pháp lý để bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đi kèm với kết luận về một cam kết rằng "Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền của họ", chính quyền Tổng thống Trump dường như đang thiết lập một "cảnh báo sớm" cho khả năng hành động quân sự trong tương lai, từ tất cả những "bất hợp pháp", "bảo vệ chủ quyền", "sẽ không cho phép Bắc Kinh"... có trong tuyên bố mới nhất.
Cả Washington và Bắc Kinh luôn được tin rằng đều không hướng đến một cuộc chạm trán ở Biển Đông, nhưng những rủi ro xảy ra đang có xu hướng tăng cao bởi những gì thế giới đã chứng kiến tại Biển Đông hồi cuối tuần trước.
Nó còn được thúc đẩy bởi một môi trường mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm loạt vấn đề như dịch bệnh Covid-19, Hongkong, chính sách thương mại... khiến tuyên bố về Biển Đông ngày 13/7 được cho càng trở nên quan trọng.