Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến thể Omicron sẽ tác động mạnh đến giá dầu thế giới?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia nhận định rằng đà lây lan của biến thể Omicron cùng với khả năng siết chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ chi phối bức tranh cung cầu trên thị trường dầu mỏ trong năm 2022.

Cung có khả năng vượt cầu trong năm 2022
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm khoảng 100.000 thùng/ngày trong những tuần cuối cùng của năm nay cũng như cả năm 2022 do chịu tác động từ đà lây lan của biến thể Omicron và kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.
 IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ dư thừa khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý II/2022.
Theo báo cáo mới nhất của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ phải tăng 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và 3,3 triệu thùng/ngày trong năm 2022 để phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát là 99,5 triệu thùng/ngày trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đà hồi phục nhu cầu đối với “vàng đen” đang chịu áp lực từ đợt  tái bùng phát của dịch Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới. IEA lo ngại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có thể buộc chính phủ các nước tái áp đạt biện pháp hạn chế mới, điều này tác động tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu.
Về nguồn cung, IEA dự đoán sản lượng dầu toàn cầu chắc chắn vượt nhu cầu từ tháng 12 này, nhờ nguồn cung tăng mạnh từ Mỹ, cùng các nước thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+. “Khi xu hướng tăng nguồn cung kéo dài sang năm 2022, chắc chắn Mỹ, Canada và Brazil sẽ bơm ở mức cao nhất từ trước đến nay. Còn Ả Rập Saudi và Nga cũng có thể lập kỷ lục về sản lượng khai thác dầu mỏ”, báo cáo của IEA cho hay.
Theo cảnh báo của IEA, nguồn cung toàn cầu sẽ tăng 6,4 triệu thùng/ngày trong năm tới so với mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Theo đó, nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu sẽ thừa khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong quý I/2022 và 2 triệu thùng/ngày trong quý II/2022.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 620.000 thùng/ngày xuống còn 96,91 triệu thùng/ngày, và sụt khoảng 420.000 thùng/ngày, chỉ đạt 100,46 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Trước đó, hồi đầu tháng 12 này, liên minh OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 1/2022, bất chấp những bất ổn kinh tế liên quan đến biến thể Omicron.
Giá dầu sẽ hạ nhiệt
Các chuyên gia lo ngại nhu cầu đối với “vàng đen” sẽ giảm mạnh khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, đặc biệt là sự lây lan chóng mặt của biến thể Omicron, được phát hiện tại Nam Phi từ đầu tháng 11, có thể khiến thế giới đối mặt với các lệnh phong tỏa mới.
Chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định: “Thị trường lo ngại sẽ có thêm nhiều các biện pháp phong tỏa hơn. Với biến thể Omicron xuất hiện đã khiến dầu thô bị bán tháo trên thị trường dầu mỏ. Nếu người dân thế giới lại phải ngồi nhà, không được đi du lịch và giá xăng sẽ giảm, tác động lớn hoạt động đi lại và kinh tế toàn cầu. Đó là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư lúc này”.
Nhận định về thị trường nhiên liệu thế giới trong năm 2022, IEA cũng vừa hạ mức dự báo về giá dầu. “Chúng tôi dự kiến giá dầu trong năm tới sẽ giảm khoảng 15% so với báo cáo được đưa ra hồi tháng 11 vừa qua. Theo đó, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức 70,80 USD/thùng trong cả năm nay và tiếp tục giảm xuống mức 67,60 USD/thùng trong năm 2022” – báo cáo của IEA cho biết.
Phát biểu trên tờ New Straits Times cuối tuần trước, nhà kinh tế trưởng Shan Saeed của Juwai IQI dự báo giá dầu sẽ dao động trong khoảng 73-87 USD/thùng trong 6 tháng cuối cùng của năm 2021, và sẽ tiếp tục duy trì mức 80 USD/thùng vào năm 2022. Chuyên gia Shan nói rằng biến thể Omicron hiện có thể nằm trong tầm kiểm soát, nhưng hiện còn quá sớm để nhận định những rủi ro của biến thể mới này đối với thị trường năng lượng trong vòng 2-3 tháng tới.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Prime, ông Igor Galaktionov - chuyên gia về thị trường chứng khoán tại công ty BCS World of Investments, cho rằng vào năm tới giá dầu sẽ giảm dần do nguồn cung dư thừa. Tuy nhiên, mức giá trung bình hàng năm có thể không khác nhiều so với mức 71 USD/thùng được ghi nhận vào năm 2021. Dự báo này đưa ra cho thấy giá dầu sẽ không tăng trong những ngày tới. “Tình hình xấu đi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu và thúc đẩy đà giảm xuống còn 70-72 USD/thùng dầu Brent”, ông Galaktionov kết luận.
Giá dầu tiếp tục sụt hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 20/12 do nhà đầu tư lo ngại nhu cầu sẽ giảm mạnh khi nhiều quốc gia tái áp đặt biện pháp hạn chế để đối phó biến thể Omicron. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,6%, xuống 71,60 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ lao dốc 3%, về mức 68,77 USD/thùng./.