Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biểu tình bạo loạn ở Pháp lan ra nước ngoài

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc biểu tình phản đối việc một thiếu niên Pháp bị cảnh sát bắn chết đã lan sang nước láng giềng như Bỉ và Thụy Sĩ, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hoãn chuyến thăm Đức để giải quyết khủng hoảng.

Một người phản ứng trong khi cảnh sát cầm dùi cui tại một cuộc biểu tình ở Paris, Pháp, tối 2/7. Ảnh: Reuters
Một người phản ứng trong khi cảnh sát cầm dùi cui tại một cuộc biểu tình ở Paris, Pháp, tối 2/7. Ảnh: Reuters

Nahel Merzouk, 17 tuổi, người gốc Ma-rốc và Algeria, đã bị bắn chết khi đang dừng kiểm tra giao thông ở thủ đô Paris hôm 27/6. Tổng thống Pháp Macron đã gọi vụ nổ súng là "sai lầm không thể bào chữa". Viên cảnh sát bắn Nahel - được xác định là Florian M., 38 tuổi - hiện vẫn bị tạm giam với cáo buộc giết người.

Thảm kịch đã khiến cả nước Pháp phẫn nộ, dẫn đến phong trào biểu tình trên khắp cả nước, lên đến đỉnh điểm với việc nhiều ô tô bị đốt cháy và các tòa nhà bị đám đông quá khích tấn công phá hoại.

Tại thành phố Lausanne ở quốc gia láng giềng Thụy Sĩ, các chai xăng cháy  đã được sử dụng trong cuộc biểu tình vào đầu giờ sáng 2/7 (giờ địa phương), khi các nhân chứng mô tả đã nhìn thấy nhiều người ném gạch, đập vỡ các cửa sổ.

Một tuyên bố của cảnh sát Thụy Sĩ cho biết, "hơn một trăm thanh niên đã tụ tập ở trung tâm Lausanne và phá hoại các cơ sở kinh doanh", lặp lại "các sự kiện và bạo loạn đang hoành hành ở Pháp".

Người biểu tình cũng đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Brussels của Bỉ hôm 29/6. Lực lượng an ninh sau đó đã bắt giữ 64 người. Những kẻ bạo loạn đã hô vang "công lý cho Nahel".

Cảnh sát chống bạo động cố gắng giữ trật tự gần quảng trường Anneessens ở thủ đô Brussels của Bỉ, hôm 1/7. Ảnh:  Shutterstock
Cảnh sát chống bạo động cố gắng giữ trật tự gần quảng trường Anneessens ở thủ đô Brussels của Bỉ, hôm 1/7. Ảnh:  Shutterstock

Bà ngoại của Nahel, Nadia, hôm 2/7 đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo loạn, cho rằng nhiều người đang lấy cái chết của cháu bà làm cái cớ. "Con gái tôi như người đã chết... Nó không còn thiết sống nữa" - bà nói với BFMTV - "Đừng phá hủy trường học, xe bus... Vẫn còn những bà mẹ khác đang có con cái đi trên những chiếc xe bus này".

Tổng thống Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến ​​bắt đầu hôm Chủ nhật, để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông đã có cuộc gặp với 220 thị trưởng trên toàn quốc đã chứng kiến bạo loạn tại địa phương những ngày qua.

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne lên án vụ tấn công "đặc biệt gây sốc" nhằm vào nhà của một thị trưởng ở ngoại ô Paris, đồng thời kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm. Nhà quan chức này đã bị đột kích và phóng hỏa trong khi vợ con ông đang ngủ hôm 1/7.

Theo thông báo vào sáng nay (3/7) của Bộ trưởng Nội vụ Pháp, một lính cứu hỏa đã hy sinh trong đêm ở ngoại ô thủ đô Paris khi cố gắng dập tắt các phương tiện đang cháy. Hơn 3.000 người biểu tình đã bị giam giữ tại Pháp sau khi triển khai an ninh hàng loạt.

Khoảng 45.000 cảnh sát đã được điều động trên các tuyến phố, nhưng dường như chưa thể ngăn được rắc rối gia tăng ở nhiều thành phố và thị trấn từ Paris đến Marseille. Tình trạng lộn xộn được báo cáo tồi tệ nhất trong đêm bạo loạn 2/7 là ở Marseille, nơi cảnh sát đã bắn hơi cay và xô xát với nhiều thanh niên ở các con đường trung tâm thành phố cho đến tận khuya.