Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình yên tạm ghi nhận ở Sri Lanka sau bạo loạn

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người biểu tình tại Sri Lanka giận dữ về cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ tại quốc gia này.

Theo ghi nhận của Reuters, bình yên đã trở lại trên các đường phố ở thủ đô thương mại Colombo của Sri Lanka hôm 10/7 sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chấp nhận từ chức.

Trước đó, những người biểu tình đã xông vào dinh thự riêng của tổng thống và thủ tướng Sri Lanka do giận dữ về cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ tại quốc gia này.

Hơn 100.000 người biểu tình tập trung ngoài tư dinh Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi ông từ chức. Ảnh: Reuters
Hơn 100.000 người biểu tình tập trung ngoài tư dinh Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi ông từ chức. Ảnh: Reuters

Hàng nghìn người đã đổ xuống thành phố ven biển yêu cầu ông Rajapaksa từ chức sau nhiều tháng xử lý cuộc khủng hoảng. Quốc gia 22 triệu dân này đang thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, trong khi lạm phát đã đạt mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka xuất hiện sau khi đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và cắt giảm lượng kiều hối từ những người lao động ở nước ngoài.

Những khó khăn trở nên chồng chất do nợ chính phủ lớn và ngày càng tăng, giá dầu tăng và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học vào năm ngoái đã tàn phá nền nông nghiệp. Lệnh cấm nhập phân bón đã được rút lại vào tháng 11.

Phát ngôn viên Mahinda Yapa Abeywardena cho biết: "Quyết định từ chức vào ngày 13/7 của ông Rajapaksa được đưa ra nhằm đảm bảo sự bàn giao quyền lực một cách hòa bình". "Do đó, tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và duy trì hòa bình."

Văn phòng của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng ra thông báo xác nhận ông sẵn sàng từ chức. Các kênh tin tức địa phương cho thấy một đám cháy lớn và khói bốc ra từ tư gia của ông tại một vùng ngoại ô giàu có của Colombo.

Hai nguồn tin của Bộ Quốc phòng cho biết ông Rajapaksa đã rời khỏi nhà từ ngày 5/10 để đề phòng trước cuộc biểu tình. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - đang trong tiến trình đàm phán với chính phủ Sri Lanka để có được khoản cứu trợ 3 tỷ USD, hôm 10/7 cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

"Chúng tôi hy vọng một giải pháp cho tình hình hiện tại sẽ cho phép nối lại đối thoại về một chương trình do IMF hỗ trợ," cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.