Bồ Đào Nha, EU cùng IMF nhất trí về gói cứu trợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà quan sát nhận định các điều kiện xin cứu trợ mới khả thi hơn kế hoạch do chính phủ công bố tháng Ba vừa qua, nhưng không dễ thực hiện, vì thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha hiện quá cao.

KTĐT - Các nhà quan sát nhận định các điều kiện xin cứu trợ mới khả thi hơn kế hoạch do chính phủ công bố tháng Ba vừa qua, nhưng không dễ thực hiện, vì thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha hiện quá cao.

Sau hai tuần làm việc với các đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 3/5 đã đạt đồng thuận về gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Phát biểu trên đài truyền hình, Thủ tướng tạm quyền Jose Socrates không cho biết chi tiết các điều kiện cứu trợ, vì thỏa thuận này còn phải được các đảng đối lập chính ở Bồ Đào Nha thông qua trước khi đưa ra cho các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro xem xét.

Nhằm trấn an dư luận, ông Socrates khẳng định chương trình xin cứu trợ không đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới trong năm nay.

Theo văn phòng thủ tướng, Lisbon tìm kiếm gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (116 tỷ USD) trong vòng ba năm. Đổi lại, Bồ Đào Nha phải giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ 9,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2010 xuống 5,9% trong 2011, và 4,5% trong năm 2012, thậm chí tới mức trần 3% theo quy định của EU trong năm 2013.

Các nhà quan sát nhận định các điều kiện xin cứu trợ mới khả thi hơn kế hoạch do chính phủ công bố tháng Ba vừa qua, nhưng không dễ thực hiện, vì thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha hiện quá cao.

Kế hoạch cũ, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% trong năm 2012 và 2% trong năm 2013, đã bị tất cả các đảng đối lập trong Quốc hội Bồ Đào Nha phản đối với lý do quá "khắc khổ," dẫn đến việc ông Socrates từ chức và làm thủ tướng tạm quyền cho đến khi Bồ Đào Nha tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào tháng Sáu.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng đồng euro sẽ xem xét thỏa thuận xin cứu trợ mới của Bồ Đào Nha tại cuộc họp vào ngày 16/5 tới, tạo điều kiện để Quỹ cứu trợ ngắn có đủ thời gian huy động tiền hỗ trợ Bồ Đào Nha vào giữa tháng sau đó, thời điểm Lisbon phải thanh toán khoản nợ khoảng 5 tỷ euro (7,4 tỷ USD) đáo hạn trong điều kiện "cháy túi."

Các nhà quan sát dự đoán gói cứu trợ Bồ Đào Nha có thể vấp phải sự phản đối của Phần Lan, một thành viên Khu vực đồng euro. Thủ tướng sắp lên nắm quyền của nước này Jyrki Katainen đang thuyết phục hai đảng có lập trường hoài nghi đồng euro là Dân chủ Xã hội và Người Phần Lan đích thực, tham gia chính phủ liên minh cùng với đảng Liên minh dân tộc và ủng hộ gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa các chính đảng có thể tham gia chính phủ mới ở Phần Lan về vấn đề này xem ra còn rất xa vời.


 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần