Ngày 31/3, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT công bố kết quả giải ngân đầu tư công trong quý I/2023 với số liệu thống kê khá ấn tượng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2023, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, đạt hơn 18% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt khoảng 14%).
So sánh với trung bình cả nước, tỉ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn gần 4% (tỉ lệ giải ngân trung bình cả nước là 10,35%).
So sánh với các bộ, ngành và địa phương khác, Bộ GTVT là một trong hai bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.
Việc Bộ GTVT đạt kết quả giải ngân đầu tư công ấn tượng như trên là điều không bất ngờ, bởi cơ quan này đang sở hữu nhiều dự án giao thông lớn sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trong đó, lớn nhất là “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Được biết, giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các dự án thành phần của “siêu dự án” này đạt giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban QLDA, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ với giá trị giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT.
Đặc biệt, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: VEC, Sở Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lào Cai.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 2.227 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 11.199 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm. Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân gần 98 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm. Các dự án ODA giải ngân xấp xỉ 485 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm. Các dự án trong nước khác giải ngân 2.997 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.