Bộ NN&PTNT: Sẽ “phạt nguội” tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận 14 vụ vi phạm quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây là kết quả tích cực, nếu biết rằng trong cả năm 2022, số lượng vi phạm quy định về IUU lên tới 84 vụ.

Vẫn còn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài

Thông tin đến báo chí vào sáng 3/7, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, vấn đề IUU được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang  đã đi kiểm tra, làm việc trực tiếp tại 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Qua kiểm tra, đánh giá một số mặt đạt được như việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, tiến bộ về quản lý đội tàu, xác định nguồn gốc hải sản…

Mặc dù vậy, các cuộc kiểm tra của đoàn công tác Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đơn cử như còn tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp; việc lắp đặt thiết bị giám sát đã thực hiện gần 100% nhưng vẫn có tình trạng không vận hành; chưa có giải pháp để kiểm soát việc cập bến của các tàu cá...

Số vụ vi phạm khai thác hải sản trái phép giảm đáng kể so với năm 2022.
Số vụ vi phạm khai thác hải sản trái phép giảm đáng kể so với năm 2022.

Trước những tồn tại trên, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, 28 tỉnh, TP ven biển đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều các giải pháp nhằm ngăn chặn vi phạm tàu cá ở vùng biển nước ngoài; quản lý tốt đội tàu, giám sát hành trình, cũng như bảo đảm dộ tin cậy của các lô hàng xuất khẩu vào châu Âu…

Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Phối hợp với các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.

Cơ hội thay đổi nghề cá theo hướng bền vững

Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến, tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ sang làm việc với Việt Nam lần thứ 4 về việc chấp hành các quy định IUU. Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các địa phương chuẩn bị các điều kiện để đón đoàn kiểm tra của EC. 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,93 triệu tấn (tăng 0,2%); sản lượng nuôi trồng đạt 2,34 triệu tấn, tăng 3%.

Chia sẻ thông tin đến báo chí vào sáng 3/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, gỡ thẻ vàng thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam và được xác định là không phải để đối phó với kiểm tra của Uỷ ban châu Âu (EC) mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Điều này đòi hỏi từng ngư dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của chính ngư dân.

“Từ lần kiểm tra đầu tiên của EC vào tháng 10/2017, đến nay Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU. Không những IUU trên biển mà sắp tới còn IUU trên rừng nữa. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện quy định IUU tại một số địa phương trọng điểm để chấn chỉnh tình trạng này…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Nhiệm vụ đặt ra trước mắt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, là cần quản lý tốt tàu cá và giám sát chặt chẽ đội tàu. “Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký, nhưng thời gian quan kiểm tra thì thấy ngư dân viết như hồi ký. Mà nhật ký lại toàn chữ… giống nhau. Do đó cần quản lý đội tàu tốt hơn. Quản tàu, quán cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết thêm, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm 6 thiết bị phạt nguội để xử lý vi phạm IUU của các tàu cá, giống như cảnh sát thực hiện với phương tiện giao thông đường bộ. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng để giải quyết đồng bộ các vấn đề về đánh bắt hải sản.