Bổ sung quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy
Kinhtedothi- Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Dự thảo luật đã triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện (sau đây viết là dự thảo Luật) bao gồm 8 chương, 58 Điều, giảm 1 chương và 36 điều so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát toàn bộ Dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi; đồng thời, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Trong đó, quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quy định chính sách khuyến khích phát triển việc làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bổ sung quy định trường hợp có sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia khác. Quy định chuyển nguồn Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật đã triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, quy định người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hình thức thông báo do Chính phủ quy định để bảo đảm thuận lợi cho người dân thay vì phải đến trực tiếp tổ chức dịch vụ việc làm công.
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật, không quy định lại các nội dung đã được quy định rõ tại Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Các nội dung liên quan đến đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động… đã cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Dữ liệu và các luật khác có liên quan.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 7/5. Ảnh: Quochoi.vn
Trong đó, về chính sách của Nhà nước về việc làm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, có ý kiến đề nghị viết gọn Điều 4 và thiết kế lại theo hướng từng nhóm chính sách bởi vì quy định như dự thảo là dàn trải, không rõ, trùng lặp, manh mún. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại Điều 4.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều như: lao động ở khu vực nông thôn, lao động nữ, lao động nữ thuộc hộ nghèo, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt ở những cơ sở bảo trợ xã hội, đơn vị hòa nhập với cộng đồng; thân nhân người có công với cách mạng; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng... Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung các đối tượng là người lao động đặc thù, yếu thế mà doanh nghiệp sử dụng nhiều để được hưởng các chính sách hỗ trợ và thể hiện tại khoản 4 Điều 4.
Về những hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 4 Điều 5. Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung vào các hành vi “quảng bá việc nhẹ lương cao để có cơ sở xử lý”; “dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật”; “lợi dụng hoạt động dịch vụ việc làm để đưa người lao động xuất khẩu lao động trái phép ra nước ngoài”. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, khoản 3 Điều 5 Dự thảo Luật đã quy định bao quát, nội hàm bao gồm cả nội dung cấm như trên, do đó, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật.
Tiếp đó, tại phiên làm việc sáng 7/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo chương trình Kỳ họp, dự kiến ngày 11/6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến cấp huyện kết thúc hoạt động từ 1/7/2025
Kinhtedothi - Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền phường trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị
Kinhtedothi- Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền...

Bổ sung quy định sàng lọc cán bộ, công chức, xoá bỏ tư duy "biên chế" suốt đời
Kinhtedothi- Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Tờ trình Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó, bổ sung quy định nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức.