Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ về vấn đề “văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc và vi phạm vẫn xảy ra nhiều”.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về an toàn thực phẩm được quốc tế đánh giá là khá đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề cơ bản còn lại là thực thi và kiểm tra, xử phạt.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Nhưng “tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc và vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xảy ra nhiều?” - Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng, trách nhiệm trước hết ở quản lý nhà nước các cấp.
“Nhưng bên cạnh đó là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường , chưa tôn trọng sức khỏe người dân, cũng như chưa thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đó chính là nguyên nhân vì sao có chuyện 2 luống rau, hai chuồng lợn, hai chuồng gà (một để ăn và một để bán); bơm các chất vào tôm, rượu methanol độc; thịt bị hủy rồi vẫn dùng để sản ruốc thịt; chất cấm không được sử dụng cho vào để tạo nạc...
Bộ trưởng nói: “Như vậy, vấn đề là người sản xuất, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Ở diễn đàn này, tôi cũng phải kêu gọi lương tri của những người sản xuất”.
Với những trường hợp, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố ý làm trái pháp luật, Bộ trưởng cho rằng “chiếc gậy” tốt nhất của quản lý nhà nước là xử phạt nhưng việc xử phạt còn quá nhẹ.
“Có lẽ trong thời gian vừa qua, lịch sử chỉ có ngành y tế phạt nước ngọt URC gần 6 tỷ đồng, còn lại mức phạt của chúng ta quá thấp và không răn đe”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi sự việc (như nấu rượu lậu, làm ruốc bẩn) đều xảy ra ở địa bàn xã phường, do đó, chính quyền cơ sở cần nắm bắt vấn đề này.
Cũng trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị về tái cấu trúc nông nghiệp, đặc biệt là chính sách để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp gồm vốn, đất, thuế.
Bộ trưởng chia sẻ, có doanh nghiệp họ đầu tư tốt để đạt chuẩn quốc tế về sản xuất, phân phối nhưng vì tốn kinh phí, giá sản phẩm cao nên có những nơi đành giảm bớt sản xuất và đóng cửa dây chuyền. “Chúng tôi đã chứng kiến cảnh đó, rất thương cho doanh nghiệp”. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ, sản xuất manh mún thì sản phẩm giá thấp, được tiêu thụ ở các chợ đầu mối, các chợ nhỏ.