Bộ trưởng Tài chính Mỹ nghi ngờ hiệu quả thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ nghi ngờ về thỏa thuận thương mại năm ngoái với Trung Quốc, trong tuyên bố đầu tiên thể hiện quan điểm rõ ràng từ chính quyền Biden về ký kết giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Bloomberg
"Theo quan điểm cá nhân của tôi, thuế quan đã không áp lên Trung Quốc... thuế quan là thuế đánh vào người tiêu dùng", bà Janet trả lời phỏng vấn New York Times tuần trước và cho biết thêm: "Trong một số trường hợp, dường như những gì chúng ta làm đã gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ và loại thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đã đàm phán thực sự không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản mà chúng ta gặp phải với Trung Quốc".

Thỏa thuận được ký giữa chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bắc Kinh vào tháng 1/2020 nhằm chấm dứt một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại lớn, do các mức thuế "ăn miếng trả miếng" đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của 2 bên.

18 tháng sau, ký kết hiện được cho chỉ là một thỏa thuận "đình chiến", khi cả 2 bên vẫn tiếp tục phải trả thêm tiền cho nhiều mặt hàng nhập khẩu của nhau. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực ổn định hơn cả trong mối quan hệ đang tiếp tục xấu đi giữa 2 nước, với loạt căng thẳng gia tăng về vấn đề Hong Kong, Đài Loan, nguồn gốc của đại dịch Covid-19...

Chính quyền Tổng thống Biden đang đứng trước các quyết định: Giữ lại thỏa thuận, hủy bỏ nó, hay tìm cách thay thế nó bằng một thứ gì đó mới. Trong khi đó, Bắc Kinh chủ yếu ca ngợi thỏa thuận thương mại, ngay cả khi chỉ trích các hành động và tuyên bố của Washington trong những vấn đề khác.

"Giai đoạn đầu của thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc, tốt cho Mỹ và cho toàn thế giới", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu trước báo giới vào tuần trước tại Bắc Kinh.

Nhưng ngay cả trước bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một số người ở Trung Quốc đã bi quan về tương lai của thỏa thuận.

"Sự tĩnh lặng hiện tại trên mặt trận thương mại dường như không báo hiệu những ngày huy hoàng, mà thay vào đó có thể là những cơn giông", cựu quan chức ngoại giao và thương mại Trung Quốc Zhou Xiaoming viết trong một bài xã luận hồi tuần trước, "mặc dù vẫn đang xem xét lại lập trường của mình đối với Trung Quốc, chính quyền Biden có thể ​​sẽ hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn vào cuối năm nay".

Thực tế, thỏa thuận thương mại đã không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc - một trong những mục tiêu mà chính quyền Trump đã đưa ra. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt kỷ lục trong quý đầu tiên, nhưng nhập khẩu từ đại lục đã tăng vọt, đầu tiên là khẩu trang và đồ bảo hộ, sau đó là đồ điện tử và thiết bị gia đình...

Các mục tiêu mua hàng mà Trung Quốc đã đồng ý trong thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối năm nay, và tất cả hiện vẫn còn cách xa những gì Bắc Kinh đã hứa, mặc dù tổng số sẽ tăng lên khi hàng hóa nông nghiệp mà Trung Quốc mua được thu hoạch và giao hàng. Hai bên cũng nhất trí rằng lượng mua của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng từ năm 2022 đến năm 2025, mặc dù chưa có chi tiết nào được công khai.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hồi tháng 5 vừa qua đã cam kết xây dựng thỏa thuận, nói rằng việc dỡ bỏ thuế quan sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đối thoại sắp tới với Trung Quốc.

Theo Bloomberg, kể từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, đại diện Katherine Tai mới chỉ có 1 cuộc điện đàm với người đồng cấp của mình - Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Cuộc gọi đó được mô tả giống như một cuộc làm quen và không liên quan đến các cuộc đàm phán chi tiết.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc Mỹ hoàn thành đánh giá chính sách đối với Trung Quốc, bỏ ngỏ về tương lai của thỏa thuận thương mại, liệu có thể được giải quyết trong năm nay hay không.

Trong khi đó, giới quan sát lưu ý việc 2 bên đã không thể đồng thuận về chuyến thăm Trung Quốc của một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ trong tuần này rõ ràng không phải là dấu hiệu tốt cho các cuộc đàm phán thương mại sớm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần