Ông Trump và ông Abe đạt được thoả thuận này trong cuộc gặp nhau bên lề khoá họp ĐHĐ thường niên năm nay của LHQ ở New York (Mỹ). Coi thoả thuận này là thắng lợi của ông Trump vì ông Abe cho tới trước đấy vẫn ưu tiên những hiệp ước thương mại tự do đa phương hơn là thoả thuận thương mại tự do song phương và không mặn mà tiến hành đàm phán thương mại riêng với Mỹ sau khi ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi TTP (thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương) và Nhật Bản bị ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Abe kiên định lập trường quan điểm này kể cả khi một số đối tác khác như Argentina, Brazil, Mexico, Canada hay EU đều đã lần lượt bị khuất phục trước áp lực tối đa của ông Trump và đã phải chấp nhận yêu cầu đòi hỏi của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Có ba lý do chính khiến cho ông Abe phải thay đổi quan điểm.
Thứ nhất là tác động tiềm tàng của việc ông Trump doạ sẽ đánh thuế 25% đối với xe ô tô của Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu thực hiện thật sự lời đe doạ này thì ông Trump sẽ giáng cú đòn rất nặng về kinh tế thương mại và rất hiểm về chính trị đối ngoại vào Nhật Bản nói chung và cá nhân ông Abe nói riêng. Nó nguy hại đặc biệt đối với ông Abe ở chỗ có thể huỷ hoại tác dụng của chủ thuyết Abenomics. Ông Abe tiếp tụ rất cần thành công của chủ thuyết này cho nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 của mình. Chấp nhận đàm phán với Mỹ có nghĩa là ông Trump sẽ không thực hiện lời doạ này cho tới khi kết thúc quá trình đàm phán, tức là ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Nhật Bản chưa bị ảnh hưởng và thành công của chủ thuyết Abenomics chưa bị đe doạ. Hơn nữa, ông Abe lại còn đã có được cam kết của ông Trump là phía Mỹ sẽ mở cửa thị trường của Mỹ cho nông phẩm của Nhật Bản, tức là đàm phán thương mại với Mỹ sẽ đưa lại những cái lợi mới cho Nhật Bản. Bởi vậy, ông Abe mới lựa chọn quyết sách "bóc ngắn cắn dài" này.
Thứ hai, ông Abe đã không thể không rút ra được cho chính mình những nhận thức và kết luận hữu ích và thậm chí còn cả cần thiết nữa từ những gì đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump làm găng với Trung Quốc không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn cả trên nhiều lĩnh vực khác nữa và không có biểu hiện sẵn sàng nhượng bộ. Người này coi trọng kết quả trước mắt hơn là lưu ý thoả đáng đến những hệ luỵ lâu dài nên sẵn sàng bất chấp đối tác và thực hiện chủ ý bằng mọi giá. Nhật Bản khác với Trung Quốc và không ngang bằng Trung Quốc trên một số phương diện nên không thể xử lý quan hệ với Mỹ như Trung Quốc. Đối với Nhật Bản bây giờ, chấp nhận lùi để tiến mới là thượng sách, thức thời và khôn khéo.
Thứ ba, ông Trump mới cầm quyền được nửa nhiệm kỳ ở Mỹ, đã bộc lộ tham vọng tái ứng cử tổng thống Mỹ và không hẳn không có cơ hội cũng như triển vọng tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ông Abe có thể yên ổn cầm quyền ít nhất đến năm 2021 ở Nhật Bản. Vì thế, tìm cách "chung sống yên ổn" với ông Trump sẽ rất có lợi cho Nhật Bản và cá nhân ông Abe. Tranh thủ cá nhân ông Trump như ông Abe đã làm lâu nay và khắc phục từ rất sớm mọi khúc mắc trong quan hệ song phương giữa hai nước như ông Abe đang làm hiện tại dẫu có là sự lựa chọn chính sách bất đắc dĩ, nhưng cũng rất thức thời của ông Abe.