70 năm giải phóng Thủ đô

Bồi đắp văn hóa đọc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thúc đẩy văn hóa đọc, nuôi dưỡng tình yêu sách, tạo ra thêm những không gian với sách… rất nhiều hoạt động dành cho giới làm sách, người đọc sách đang diễn ra nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (21/4).

Qua đó để khẳng định tầm quan trọng của sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng và cũng để nhìn lại thực trạng văn hóa đọc.

Đọc sách, việc làm tưởng như rất đơn giản nhưng lại đang là một vấn đề không hề đơn giản trong thời đại công nghệ số phát triển hiện nay. Làm thế nào để mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay thích đọc sách, yêu sách, trân quý sách vẫn là câu hỏi lớn. Nếu như trước đây, chạm vào cuốn sách là tràn ngập cảm hứng, là niềm vui, niềm yêu thích, thì bây giờ, với không ít người, có khi cả tháng, thậm chí cả năm cũng không cầm đến một cuốn sách. Nhiều người cũng không còn tìm tới đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn và suy tư cho những ý tưởng sáng tạo mà thường bị áp lực đọc để “trả bài”, phục vụ công việc.

Đặc biệt với giới trẻ, việc cầm một cuốn sách lên dường như càng khó khăn hơn, nhiều bạn trẻ chỉ đọc sách khi đó là yêu cầu bắt buộc. Thay vào đó, họ có thể dán mặt vào màn hình điện thoại, lướt web, xem tivi hoặc các hình thức giải trí công nghệ khác cả ngày.

Văn hóa đọc vẫn đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách từng cá nhân. Tình yêu với sách không bao giờ là câu chuyện cũ. Bởi thế, trong những năm qua, rất nhiều hoạt động đã và đang được triển khai để thúc đẩy văn hóa đọc với nhiều hình thức. Trong đó, sau 8 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam, từ năm 2022, ngày 21/4 đã chính thức được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Dấu mốc này là dịp để tiếp tục góp phần khơi dậy, tăng thêm niềm hứng thú đọc, yêu thích sách, hình thành thói quen đọc sách, từ đó phát triển văn hóa đọc.

Thực tế, không chỉ bó gọn trong một ngày hội, một dịp cao điểm, để thúc đẩy văn hóa đọc, từ gia đình, nhà trường, xã hội cũng đã có thêm nhiều sự thay đổi để hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ. Tại các trường học, ngày hội đọc sách được tổ chức thường xuyên hơn, để học sinh thuyết trình về cuốn sách mình yêu thích, trao đổi sách với nhau, hình thành nên những thư viện mini ở mỗi lớp học.

Những hội nhóm đọc sách cũng được hình thành để giúp việc đọc sách thú vị, hấp dẫn hơn, đời sống của tác phẩm lâu dài hơn. Những đường sách, không gian sách cũng ra đời để trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại; đặc biệt còn có không gian chuyển đổi số giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D…

Tại nhiều phường, xóm, các tủ sách, thư viện nhỏ cũng được xây dựng cho chính cư dân mình. Trong các thư viện, thay vì chỉ giống như kho đựng sách, đã hình thành thêm các mô hình không gian sách đẹp, những tọa đàm, giao lưu với tác giả cũng lôi cuốn hơn… Chính những cách làm này không chỉ kết nối người làm sách với bạn đọc mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với việc đọc sách.

Dù vậy, những điều này mới chỉ là phần ngọn. Việc làm sao để từ các hoạt động, sự kiện nhân Ngày sách và Văn hóa đọc, khiến việc đọc sách trở thành nhu cầu tự thân vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Để văn hóa đọc bền lâu, cần cả một quá trình bền bỉ từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Bởi vậy, thay vì ép đọc hay dừng ở phong trào, phải thay đổi từ nhận thức đến có thêm nhiều hơn những cuốn sách hay, phù hợp, tận dụng sức hút của công nghệ để lôi kéo độc giả mới, tạo hứng thú thực sự trong việc đọc.