Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bom tấn" Squid Game và sức mạnh của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thành công của Ký sinh trùng - bộ phim đoạt giải Oscar năm 2020, seri phim mới Squid Game (Trò chơi con mực) chiếu trên nền tảng Netflix đang thu hút sự chú ý của người xem trên toàn cầu, thúc đẩy "quyền lực mềm" ngày càng tăng của Hàn Quốc.

Một cảnh phim trong Squid Game. 
Tương tự Ký sinh trùng, Squid Game - seri phim truyền hình được xem nhiều nhất trên nền tảng của Netflix - cũng có nội dung về những người nghèo, tham gia một trò chơi sinh tồn để thoát khỏi cảnh nợ nần.
Trong khi các ca khúc nhạc pop hay những bộ phim truyền hình Hàn Quốc vốn đã thành công vang dội ở thị trường nước ngoài trong nhiều năm qua, sự nổi tiếng của Squid Game là một dấu mốc mới cho ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bloomberg dẫn số liệu từ Netflix cho biết, hoạt động kinh doanh của họ trong năm ngoái đã đóng góp 1,9 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc được cho đang sở hữu một sức ảnh hưởng lớn hơn thế, được ví như một loại "quyền lực mềm".
Xuất khẩu nội dung giải trí
Giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp tại Hàn Quốc trong năm 2020. Ảnh: Bloomberg 
Theo Bloomberg, quy mô của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc nhìn chung là nhỏ so với lĩnh vực sản xuất khác của quốc gia này, nhưng phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu nội dung giải trí của Hàn Quốc đạt 10,8 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương khoảng 1/10 so với sản xuất chip - vốn là lĩnh vực "hái ra tiền" của nước này. 
Giá trị xuất khẩu nội dung giải trí của Hàn Quốc - bao gồm lĩnh vực phát hành, phim ảnh, nhạc và chương trình truyền hình, đã tăng 6,3% vào năm ngoái, bất chấp việc tổng lượng hàng hóa xuất khẩu giảm 5,4% do đại dịch Covid-19.
Ngay cả các sản phẩm liên quan đến "Hallyu" (làn sóng Hàn Quốc) như mỹ phẩm, quần áo hay đồ thực phẩm cũng tăng 5,5% trong năm ngoái - theo báo cáo của Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc (KOFICE).
Thu hút khách du lịch
Biến động khách du lịch đến Hàn Quốc từ năm 2014 - 2019. Ảnh: Bloomberg 
Theo khảo sát của KOFICE, khoảng 13% trong tổng số khách du lịch đến Hàn Quốc năm 2019 là với mục đích trải nghiệm văn hóa đại chúng, cũng như tham gia các sự kiện của người hâm mộ các thần tượng K-pop. Những người này chi tiêu tổng cộng 2,7 tỷ USD.
Độ phủ sóng của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và thần tượng được cho đã thu hút lượng lớn khách Trung Quốc đến "xứ sở kim chi" trong những năm trước đại dịch. Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc lớn này lại trở thành "dao hai lưỡi" đối với ngành du lịch Hàn Quốc.
Khi mối quan hệ giữa 2 quốc gia bắt đầu xấu đi vào năm 2017 - thời điểm Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc, lệnh "cấm Hàn" của Bắc Kinh đã khiến lượng khách Trung Quốc đến Hàn Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Năm đó, GDP Hàn Quốc giảm 0,4%.
Trong bối cảnh này, thách thức chính của Hàn Quốc hiện nay là mở rộng đối tượng khách du lịch ra ngoài châu Á và tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Sức hấp dẫn ngày càng lớn của văn hóa đại chúng được cho sẽ là động lực cho mục tiêu này của Hàn Quốc.
Tạo việc làm
'Quyền lực mềm' từ ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg   
Dù quy mô vẫn còn nhỏ nhưng giải trí được cho là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc, cùng với mảng công nghệ. Số người lao động trong các dịch vụ sáng tạo và nghệ thuật đã tăng 27% trong giai đoạn từ năm 2009 - 2019. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất - động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống tăng 20% trong cùng kỳ.
Trong một báo cáo hồi tháng trước, Netflix cho biết họ đã giúp Hàn Quốc tạo ra 16.000 việc làm toàn thời gian trong ngành giải trí và các lĩnh vực liên quan trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020. Công ty này ước tính, họ cũng đóng góp 4,7 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc trong quãng thời gian này.