Những hạt mưa lắc rắc lên mái tôn, âm thanh đó làm tôi giật mình tỉnh giấc. Liếc nhìn sang màn hình điện thoại đã tám giờ sáng, chết thật tối qua mệt quá ngủ li bì, giờ thì khá muộn so với đồng hồ sinh học hàng ngày.
Chiều qua đứa bạn nối khố ngày xưa ghé thăm, những cái chạm ly, những câu chuyện cũ. Rượu uống mềm môi cho ngày hội ngộ, để rồi giờ đây âm thanh réo rắt nơi dạ dày vì đói. Bước ra khỏi nhà nơi con phố rộn rã hàng ngày giờ đây mưa thu như làm chùng lại, dòng người vẫn ngược xuôi dù rằng hơi yên ả.
Mưa. Những hạt mưa li ti vương đầy trên vai áo, không khí gợi nhớ một miền quê xa xôi, nơi có những món ăn làm nên thương hiệu, đó như là vị quê. Đây rồi cái quán nhỏ nằm ẩn nấp với bao hàng quán khác, cái biển hiệu bé tí với hình con cá rô làm tôi như quay về với thời thơ bé nơi có cánh đồng, có con tôm, con cá.
Bún cá rô đồng, quán được trang trí rất quê có bộ bàn tre, chiếc nơm úp cá treo trên vách, cái oi, cái nhủi... tất cả như làm ta quay về, như làm ta lắng đọng. Bà chủ quán mang ra cho hắn một tô lớn nghi ngút khói vì là khách quen không cần gọi món, mà thật ra quán cũng bán mỗi một món, khách vào chỉ ăn món duy nhất này thôi.
Hít hà một hơi thật sâu để cảm nhận cái hương thơm là lạ mà gần gũi với ký ức xa xưa, ngắm nghía món ăn mà mình yêu thích lúc đang cồn cào đói làm cho ta như bị kích thích, như đang hối hả. Những miếng phi lê cá nhỏ bằng hai ngón tay được chiên vàng, những chiếc lá thì là li ti.
Miếng cà chua chín đỏ, cọng bún trắng vài miếng hành phi. Lát cắt của dọc mùng, ít rau ngò nước. Trên bàn có những chiếc lọ nhỏ xinh xinh, lọ ớt sa tế, lọ hành tỏi cắt lát mỏng ngâm chua, lọ dưa cải xanh muối loại cải cay còn non. Lọ đựng măng muối chua, nước mắm cay, tương ớt.
Như một thói quen việc đầu tiên là húp thử thìa nước lèo, vị ngọt của cá rô (là xương và đầu cá rô mới đúng) cả ngọt từ xương heo hầm, mùi hăng từ lá thì là và các gia vị lan toả trong vòm họng một mùi vị rất đặc trưng mà phở hay bún bò không giống được.
Thêm vào tô một ít cải muối, ít măng chua. Cắn miếng cá chiên giòn phía ngoài, phía trong vừa chín tới, vị béo ngậy, giòn cộng vị ngọt từ thịt cá rô đồng như tan chảy. Măng chua sần sật, cải muối có vị hơi hăng hắc cọng bún không quá mềm thêm tí cay cay từ sa tế ớt tất cả làm cho người ăn như lạc giữa rừng hương vị để có một thương hiệu bún cá rô đồng mà thực khách khi ăn xong lưu luyến.
Khi ăn phải làm sao kết hợp càng nhiều rau, dưa, ớt và nước dùng để cái vị riêng đó không lẫn vào đâu được. Quán nhỏ bình dị ấy nhưng thực khách luôn ngồi kín chỗ, bà chủ quán mủm mỉm dễ thương, mái tóc cắt nhắn như nam nhân. Ông chồng thoăn thoắt chiên cá ở góc quán, hai chị người làm bưng bê và thu dọn chén bát.
Duy có cô con gái thu ngân luôn làm tôi phải dừng lại khi ngắm nghía cái quán nhỏ. Nàng độ ba mươi nghe đâu đã li dị chồng, chiếc áo thun đồng phục quán có cả tạp dề, quần jean lửng và cái túi đeo bụng, đôi giày thể thao trắng như thân hình nàng vậy. Nàng đẹp. Đôi mắt hút hồn người đối diện, bờ môi chín đỏ và dáng đi mềm mại.
Ngày đầu ghé quán tôi tỉ mỉ, tò mò tìm hiểu về nguồn gốc món ăn bình dị đó, bà chủ cho hay gia đình bà có nghề nấu bún cá rô đồng truyền thống ở tít mạn bắc Hải Dương. Hình như ở đó cũng là nơi sản sinh ra món ăn này, tuy đã ăn nhiều nơi nhưng có lẽ ưu ái cho cô con gái bà chủ mà tôi vẫn trung thành với cái quán nhỏ nơi phố thị có gốc xà cừ che kín cả một trời thu.
Khi đã húp cạn cả giọt cuối cùng của tô bự thấy trán mình lã chã mồ hôi dù rằng ngoài kia mưa thu vẫn đều đều nhỏ giọt, con phố như đìu hiu theo cánh mưa bay. Vẳng xa trong làn gió đâu đây bản nhạc Trịnh vang lên “một cõi đi về” dấu chân những người xa hương vẫn đau đáu một miền quê nơi cánh đồng bao la kỷ niệm có cá rô đồng có em và nương lúa. Vị quê vẫn ngọt lành như hương thơm từ tô bún, vẫn lung linh huyền ảo như dáng em thuở ta tròn đôi mươi diệu vợi.