Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước chuyển mạnh của nông nghiệp Thủ đô

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, dù chịu tác động lớn của biến động giá cả, cung - cầu thị trường nông sản, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế Thủ đô.

 Thu hoạch hoa cúc tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tốc độ tăng trưởng đạt 3,6%

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2018, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6% so với năm 2017, đánh dấu bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản cũng đạt xấp xỉ 43.708 tỷ đồng, bằng 104,7% so với năm 2017. Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng trồng trọt – lâm nghiệp, chăn nuôi – thủy sản và thương mại – dịch vụ nông nghiệp lần lượt chiếm 42,7%; 52,86% và 4,44%.
Năm 2019, ngành NN&PTNT Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%; Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 3,2%; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 8,9% so với năm 2018 (lên mức 131 triệu đồng/ha). Phấn đấu có thêm ít nhất 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Tính đến nay, toàn TP đã xây dựng, duy trì và phát triển được 126 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ, cùng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đặc biệt năm 2018, Hà Nội đã lần đầu tiên xuất khẩu được 19 tấn nhãn chín muộn đi Mỹ và châu Âu, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản.

Cũng trong năm qua, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP đã có 4 huyện và 323/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt 46,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,1%. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn TP đạt trên 86%. 100% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, trong đó có 55,5% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Dù đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong năm 2018, tuy nhiên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, chất lượng VSATTP vẫn là mối lo lớn. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định...

Để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đẩy mạnh bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán sang mô hình trang trại, gia trại và chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích áp dụng thâm canh, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và thực hiện tốt chương trình “liên kết 4 nhà” nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển toàn diện nền nông nghiệp Thủ đô.