Bước ngoặt Delta với kinh tế toàn cầu

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng như đang trên đà phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19, biến thể Delta nguy hiểm xuất hiện khiến các nền kinh tế lớn cũng đang giảm tốc rõ rệt, trong đó những vấn đề của chuỗi cung ứng và chi tiêu đang là nguy cơ khiến lạm phát tăng cao.

“Ông lớn” mất đà
Bloomberg Economics đã tổng hợp hàng trăm điểm dữ liệu, từ doanh số bán lẻ của Mỹ đến sản lượng nhà máy của Trung Quốc, để đưa ra dự đoán về tốc độ tăng trưởng và mức độ lạm phát của các nền kinh tế lớn trước khi các dữ liệu chính thức được công bố. Kết quả mới nhất cho thấy, các nền kinh tế lớn chứng kiến sản lượng vào cuối năm nay vẫn thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước Covid-19.

Theo ước tính của Bloomberg, cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cảm nhận rõ những thách thức từ đại dịch dai dẳng do biến thể Delta. Kinh tế Mỹ đang trên đà ghi nhận tốc độ tăng trưởng 5,8% trong quý III/2021, thấp hơn so với mức 6,6% trong quý trước đó. Tại Trung Quốc, Bloomberg dự báo mức tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 7,9% trong quý II vừa qua.
 Một dây chuyền sản xuất ô tô Yaris của Toyota giữa mùa dịch. Ảnh: AP
Thông thường, lạm phát vẫn có xu hướng thấp khi nền kinh tế tăng trưởng chậm. Tuy nhiên trong bối cảnh đầy biến động của giai đoạn hồi phục hậu Covid-19, điều này được cho không còn đúng.
Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển và giá hàng hóa tăng cao là một thực tế, trong khi sản lượng vẫn ở dưới mức cần thiết, khiến lạm phát ở nhiều quốc gia đã vượt mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Bloomberg lưu ý, một tin tốt trong quý III/2021 là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần. Nhưng ngược lại, các nhà kinh tế dự báo tin xấu là Eurozone và Vương quốc Anh sẽ chứng kiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương.

Đối với các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, việc đà phục hồi bị giảm và lạm phát tăng cao sẽ là một tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Sự hồi phục yếu hơn sẽ tạo áp lực để các ngân hàng đề thêm biện pháp kích thích, trong khi giá liên tục ở mức cao khiến họ phải cân nhắc giảm quy mô.
Tình trạng này - theo Bloomberg - cũng tương tự như đợt lạm phát kèm suy thoái vào những năm 1970. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và những người đồng cấp được tin sẽ không có nhiều lựa chọn. Quyết định gần đây nhất của ECB là một ví dụ. Mặc dù chương trình Đánh giá Chiến lược gần đây đã được hứa hẹn có động thái mạnh mẽ hơn để giảm sức nóng cho nền kinh tế, tuy nhiên bà Lagarde hồi tuần trước đã công bố kế hoạch giảm tốc độ mua trái phiếu.

Tại Mỹ, tăng trưởng giảm tốc và lạm phát vẫn ở mức cao là nguyên nhân khiến Fed chưa thay đổi chính sách. Ông Powell khẳng định vẫn duy trì quyết định giảm quy mô của chương trình mua tài sản trong năm nay. Tuy nhiên, gian nan đang ở phía trước khi dữ liệu việc làm tại Mỹ đã không như mong đợi trong tháng 8 vừa qua. Cùng với đó, biến thể Delta lây lan và chuỗi cung ứng vẫn gặp khó khăn thì khả năng bình ổn của Fed vẫn là điều không chắc chắn.

Trông vào nhân tố quan trọng

Trong vài thập kỷ qua, Đông Nam Á nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… trở thành những trung tâm sản xuất lớn. Đây hiện là khu vực sản xuất chính cho ô tô, máy tính, điện tử và hàng may mặc. Tuy nhiên, nếu như ở châu Âu và Mỹ, nhiều nước đã có thể theo đuổi những kế hoạch tái mở cửa táo bạo, thì Đông Nam Á, với tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp, đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến chủng Delta. Những biện pháp phong tỏa, hạn chế chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của virus đã khiến các nhà máy ở nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa. Nhưng với ngân sách đã bị kéo căng sau nhiều đợt bơm tiền kích thích kinh tế, kéo dài các lệnh phong tỏa ngày càng trở thành lựa chọn không khả thi.

“Đó là bài toán thực sự nan giải, khi phải cân bằng giữa mạng sống và sinh kế” - Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ nhận định. Ông lấy dẫn chứng kể cả Singapore cũng đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm tăng vọt dù là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới. “Nguy cơ việc tái mở cửa diễn ra ở Đông Nam Á là rất cao, ông Tan nói với Bloomberg. Các nhà máy ở Đông Nam Á phải đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota phải cắt giảm sản lượng rất sâu trong khi nhà bán lẻ quần áo Abercrombie&Fitch cảnh báo tình trạng đang “ngoài tầm kiểm soát”.

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nhiều nước châu Á hiện đang cao hơn mức trung bình toàn cầu, khiến nhiều nước nằm ở áp chót của bảng xếp hạng về mức độ chống chọi với đại dịch của Bloomberg, hay bảng xếp hạng phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia. Tuy nhiên, các Chính phủ trong khu vực đang ngày càng lo ngại nếu kéo dài các biện pháp giãn cách quá lâu thì thiệt hại kinh tế sẽ khó để đong đếm. Malaysia đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng GDP của năm 2021, xuống còn 3 - 4%, khi số ca nhiễm hàng ngày lập kỷ lục.
Theo Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế của Oversea-Chinese Banking Corp, các quốc gia Đông Nam Á một mặt phải chịu đựng những thiệt hại kinh tế từ các đợt phong tỏa, dù chúng đã giúp chặn dịch bệnh thành công, nhưng mặt khác là phải đối mặt với việc người dân gần như đã kiệt quệ vì cuộc khủng hoảng kéo dài.

Do đó, tại Đông Nam Á lúc này, xu hướng xem Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu đang ngày càng rõ nét. Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đã dần chuyển sang học tập chiến lược “sống chung với Covid-19” của Singapore.
Tại Indonesia, giới chức nỗ lực củng cố những quy định như bắt buộc đeo khẩu trang hơn là các biện pháp hạn chế di chuyển. Nước này cũng nhanh chóng triển khai lộ trình tái mở cửa cho những khu vực đặc biệt như trường học và văn phòng với những quy định có thể là “vĩnh viễn”, nhằm thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Trong khi Philippines đang thí điểm thu hẹp phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế theo từng khu phố, thậm chí từng tòa nhà, theo các quy chuẩn nhất định tại thủ đô nước này. Manila dự kiến sẽ triển khai “bong bóng vaccine” trên các phương tiện giao thông công cộng và công sở.

Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics nhận định rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực giá cả lúc này có thể bắt đầu giảm bớt vào đầu năm tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nó có thể sẽ kéo dài hơn trong một số lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất ô tô. “Mặc dù chúng tôi đã hy vọng quý II/2021 sẽ ghi nhận đỉnh điểm của sự gián đoạn này, nhưng thực tế phải mất vài quý nữa để tình hình có thể được khôi phục lại hoàn toàn” - chuyên gia Fenner nói với DW.

"Chúng ta không chứng kiến xu hướng giảm tốc quá sốc. Dữ liệu cho thấy sự hồi phục chậm rãi hơn chứ không phải là đảo ngược hoàn toàn. Tuy nhiên những số liệu mới nhất là một lời nhắc nhở rằng dịch bệnh vẫn là một yếu tố quan trọng, tiêu cực và khó dự đoán đối với triển vọng kinh tế."- Chuyên gia kinh tế của Bloomberg Bjorn van Roye