Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước tiến của chủ nhà Olympic Tokyo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 đang diễn ra với những sàn đấu vắng khán giả vì Covid-19, nước chủ nhà Nhật Bản chứng tỏ mình xứng đáng có “huy chương” cho các hoạt động tổ chức thông minh, bền vững, và những nỗ lực đa dạng để thay đổi chính mình.

Công nghệ xanh
Nếu Olympic Tokyo 1964 - với công nghệ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen - được xem là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên công nghệ cao ở Nhật Bản sau đó, Thế vận hội lần này cho thấy cách người Nhật khai thác tối ưu những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất vì mục tiêu an toàn và bền vững.

Theo SCMP, đóng góp lớn nhất là công nghệ nhận diện khuôn mặt, được ứng dụng rộng rãi nhằm hạn chế quá trình trao đổi và làm thủ tục check-in cho các vận động viên và quan chức thể thao tham dự sự kiện diễn ra giữa đại dịch Covid-19 hiện nay. Sau khi đăng ký với hệ thống nhận diện, một người có thể làm thủ tục lên máy bay, vào Làng Olympic… mà không cần xuất trình giấy tờ gì, hay thậm chí không cần tháo khẩu trang nhờ khả năng nhận diện chính xác đến 99,9%. Đại diện hãng chế tạo NEC cho biết, toàn bộ quá trình quét của công nghệ sinh trắc học này chỉ diễn ra trong 1 giây và tập trung vào vùng quanh mắt. Cùng với đó, Robot Miraitowa và Someity - hai linh vật của Olympic Tokyo 2020 - có mặt tại hầu hết các địa điểm thi đấu, cũng được gắn camera và cảm biến có chức năng nhận dạng các biểu cảm trên gương mặt con người, sau đó cho phản hồi bằng việc chớp mắt, gật đầu hay bắt tay.
  Vận động viên quần vợt Naomi Osaka thắp lửa tại Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, ngày 23/7/2021. Ảnh: AP
Có thể ít ai biết, trong số 43 địa điểm tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic kỳ này, 25 địa điểm tồn tại trước và 10 địa điểm chỉ là tạm thời. Đây là kết quả của một phép tính để đạt được “phát thải carbon âm”, dựa trên một chương trình bù đắp carbon mà Nhật Bản đã xây dựng từ trước. Ban tổ chức Olympic Tokyo ước tính sự kiện thể thao lần này sẽ tạo ra 2,73 triệu tấn carbon, hiện đã được cắt giảm khoảng 12%, tương đương 340.000 tấn, do các sàn đấu không khán giả vì Covid-19. Hơn 200 DN Nhật Bản đã quyết giảm phát thải khoảng 4,38 tấn carbon kể từ tháng 7/2018 - 9/2020, như một sự “quyên góp” cho Olympic Tokyo 2020. Và tại các đấu trường đang diễn ra lúc này, những huy chương vàng, bạc, đồng trao đi đều được rèn từ kim loại tái chế từ điện thoại di động cũ cùng các thiết bị kim loại nhỏ khác do công chúng Nhật Bản quyên góp trong một sáng kiến bắt đầu từ năm 2017. Bục lễ chiến thắng từ công nghệ in 3D cũng được chế tác bởi rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, khoảng 500 chiếc xe điện e-Palette đã được triển khai, đưa các vận động viên và quan chức từ nơi ở đến địa điểm thi đấu mà không cần người lái. Mỗi phương tiện này có thể chở được 20 người hoặc 4 người đi xe lăn. Làng vận động viên, nơi các vận động viên ngủ trên những chiếc giường các-tông gây sốt mạng xã hội những tuần qua, sẽ được cải tạo thành khu chung cư sau khi Thế vận hội kết thúc, và tiếp tục được cung cấp một phần năng lượng bằng pin nhiên liệu hydro.

Nhìn chung, công nghệ được kỳ vọng nhất ở Thế vận hội Tokyo chính là “nền kinh tế hydro”. Nguồn năng lượng có thể tái tạo này đang được nhiều công ty Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Phạm vi năng lượng hydro cuối cùng đã được thu hẹp lại do vấn đề chi phí, nhưng Olympic 2020 vẫn sẽ là một trong những mô hình quy mô lớn đầu tiên về khả năng ứng dụng của hydro trong nhiều mục đích sử dụng.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến tại Olympic Tokyo lúc này là việc mọi người đều nhận thức rõ về vai trò trong hành động vì khí hậu” - Giám đốc phát triển bền vững của Ủy ban Olympic Quốc tế Marie Sallois nói với SCMP.

Đa dạng sắc tộc

Không chỉ gây ấn tượng với bạn bè quốc tế bởi các tiến bộ công nghệ, một Olympic Tokyo 2020 cởi mở với mọi sắc tộc đang góp phần thay đổi bộ mặt vốn có phần “cực đoan” về bản sắc dân tộc của người Nhật.

Lễ khai mạc sự kiện hôm 23/7 chứng kiến Naomi Osaka - nhà vô địch quần vợt với 4 danh hiệu Grand Slam đã thắp sáng ngọn lửa tại Vạc Olympic. Đặc biệt, cô và vận động viên NBA Rui Hachimura rước lá quốc kỳ Nhật Bản đều là những “đứa con lai” 2 chủng tộc. Với nhiều người, điều này là khó tưởng tượng tại nước Nhật. Yuji Ishizaka, một nhà xã hội học thể thao tại Đại học Nữ sinh Nara, nói với Bloomberg: “Nhật Bản có lịch sử không chào đón những người mang hai chủng tộc và những người đã nhập quốc tịch sau khi chuyển đến Nhật Bản. Nhưng việc lựa chọn Naomi làm người cầm đuốc cuối cùng để thắp sáng Vạc Olympic là một bước tiến quan trọng đối với một nước Nhật chưa thực sự nghĩ về ý nghĩa của việc đa dạng hóa”.

Bản thân ngôi sao bóng rổ Hachimura cũng đã nói về việc anh ấy đã từng trốn tránh mọi người khi còn nhỏ vì biết rõ sự khác biệt của bản thân, và thể thao đã giúp anh tìm ra con đường của mình như thế nào. Nhật Bản những năm gần đây cũng đã tích cực đón nhận các vận động viên hai chủng tộc, chẳng hạn như Koji Murofushi có cha là người Nhật và mẹ là người Romania. Anh trở thành người hùng của nước Nhật khi giành huy chương Vàng tại Thế vận hội Athens 2004 ở nội dung ném búa, hiện là thành viên cấp cao của Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo.

Khi Tokyoite Aaron Wolf, sinh ra với mẹ là người Nhật và cha là người Mỹ, giành huy chương Vàng thứ 5 trong cuộc tranh tài judo hạng 100kg nam vừa qua, các đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đã vinh danh anh trên các bản tin như đã làm với mọi huy chương của đoàn thể thao nước nhà. Rõ ràng, Olympic Tokyo 2020 đang gửi tới công chúng một thông điệp rằng không ít vận động viên đa chủng tộc đang đại diện cho Nhật Bản trên các đường đua và sân đấu, thậm chí giành huy chương để mang về vinh dự cho nước nhà.

Hơn hết, đa dạng lúc này được tin là cú hích đối với nền kinh tế Nhật Bản. Với dân số ngày càng giảm và già đi, Nhật Bản đang tìm kiếm lao động sinh ra ở nước ngoài để tiếp tục thúc đẩy động lực kinh tế của mình, đồng thời thiết lập luật pháp để thu hút nhiều người từ nước ngoài nhằm lấp đầy chỗ trống trong các nhà máy và lĩnh vực dịch vụ. Tính đến cuối năm ngoái, khoảng 2% dân số Nhật Bản không phải là người Nhật. Bên cạnh đó, cứ 50 trẻ em sinh ra ở Nhật Bản thì 1 em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài.
Những gì chúng ta đang chứng kiến tại Olympic Tokyo lúc này là việc mọi người đều nhận thức rõ về vai trò trong hành động vì khí hậu. Giám đốc phát triển bền vững của Ủy ban Olympic Quốc tế Marie Sallois.