Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buồn vui thu ngân sách

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, tuy nhiên, tổng thu ngân sách vẫn còn rất nhiều nỗi lo trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới, sức khỏe DN giảm sút.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 5 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán và 62,1% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (166,5 nghìn tỷ đồng/tháng). Lũy kế thu NSNN 5 tháng ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, trong đó, thu ngân sách T.Ư đạt khoảng 51,2% dự toán, thu NSĐP đạt khoảng 43,2% dự toán.

Trong đó đáng chú ý, số thu nội địa đạt khá, ước đạt 80,7 nghìn tỷ đồng, đạt 6,1% dự toán , bằng 57,9% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (139,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Thu từ dầu thô ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 92 USD/thùng, tăng 22 USD/thùng so với giá dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 29 nghìn tỷ đồng, bằng 6,8% dự toán và 93,2% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (31,1 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong tháng 5, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ DN và người dân. Dù bản thân người nộp thuế, DN và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong huy động các nguồn lực để tăng thu nhưng công tác thu ngân sách vẫn tồn tại rất nhiều nỗi lo.

Mặc dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng đang trong xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán). Không kể thuế thu nhập DN, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa 5 tháng bằng khoảng 97,1 % so với cùng kỳ năm 2022.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 17/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 48% dự toán; 13/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm sút; lũy kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế tính đến ngày 15/5/2023 đạt khoảng 45,5 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Những con số này cho thấy, thu chi ngân sách Nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính và các cơ quan thu xác định, cần bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời để làm sao 6 tháng đầu năm và tới 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán Quốc hội giao về thu chi ngân sách Nhà nước.

Năm 2023, dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước là 1.620,7 nghìn tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu thu trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu đã và đang tiếp tục được cơ quan quản lý triển khai.

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ thuế, lãi suất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… đang được đề xuất để hỗ trợ DN, người dân.

Tính đến hết tháng 5/2023, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 63,16 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 25,16 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng).