Tuần qua, thị trường dầu thế giới biến động nhẹ, song tính chung cả quý, giá mặt hàng này ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong 10 năm do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cùng với nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh.
Trong phiên 25/3, giá dầu giảm nhẹ do thị trường gia tăng lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc OPEC và các nước đồng minh, trong đó có Nga, cắt giảm sản lượng khai thác dầu cũng vẫn góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên này.
Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 26/3 giữa lúc thị trường hướng sự chú ý tới các yếu tố địa chính trị, đặc biệt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ khiến lượng xuất khẩu dầu của Venezuela giảm mạnh. Ngoài ra, giá “vàng đen” cũng được hỗ trợ nhờ lượng dầu dự trữ ngày càng giảm sút của Mỹ.
Sang phiên ngày 27/3, giá dầu lại giảm sau khi số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ trong tuần trước tăng nhiều hơn dự báo, do sự cố tràn hóa chất ở Texas đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 2,8 triệu thùng/ngày, trái ngược với dự đoán giảm 1,2 triệu thùng/ngày của các nhà phân tích. Cũng theo EIA, xuất khẩu dầu thô đã giảm 506.000 thùng/ngày. Mặc dù vậy, việc hoạt động xuất khẩu của Venezuela bị gián đoạn cũng đã giúp hạn chế bớt đà sụt giảm của giá dầu.
Giá dầu giữ ổn định trong phiên giao dịch ngày 28/3, sau khi có thời điểm đi xuống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu thô để giữ giá "vàng đen" ở mức thấp.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 29/3 nhờ việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.
Từ đầu năm 2019, giá dầu phục hồi mạnh do được hỗ trợ từ việc OPEC và đồng minh gồm Nga - được gọi là OPEC+ giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
"Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ là động lực chính cho giá dầu phục hồi, từ mức giảm 38% trong quý cuối năm 2018", Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ WTI leo dốc 84 xu Mỹ (tương đương 1,4%) lên 60,14 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/11/2018. Giá dầu đã duy trì đà tăng sau khi dữ liệu định kỳ từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 8 giàn trong tuần này. Giá dầu WTI đã bứt phá 32,4% trong 3 tháng đầu năm 2019, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ quý II/2009.
Bank of America dự báo giá dầu sẽ tăng trong ngắn hạn, với giá dầu Brent đạt trung bình 74 USD/thùng trong quý II. |
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tăng 57 xu Mỹ (tương đương 0,8%) lên 68,39 USD/thùng. Giá dầu Brent đã tăng tới 25% trong quý này, ghi nhận quý mạnh mẽ nhất kể từ năm 2009.
Các nước OPEC+ dự kiến sẽ họp vào tháng 6 để thảo luận về việc có tiếp tục hạn chế sản lượng dầu hay không. Trong khi thành viên Ả Rập Saudi ủng hộ việc giảm sản lượng dầu trong cả năm 2019, thì Nga - quốc gia duy nhất miễn cưỡng tham gia cam kết trên, được cho là không muốn tiếp tục việc này sau tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc hạn chế sản lượng của OPEC+ không phải là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng trong quý I. Lệnh cấm vận của Mỹ đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ là Iran và Venezuela cũng góp phần vào đà tăng này.
Dù giá dầu tăng, các nhà phân tích cũng bày tỏ quan ngại về nhu cầu dầu mỏ trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và có thể rơi vào suy thoái.
Chuyên gia Hansen của Saxo Bank nhận định: "Rủi ro ngắn hạn lớn nhất trên thị trường dầu mỏ có lẽ là bị ảnh hưởng với sự suy yếu của thị trường chứng khoán". Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động trước những dấu hiệu suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, với việc OPEC+ giảm sản lượng, Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu sẽ tăng trong ngắn hạn, với giá dầu Brent đạt trung bình 74 USD/thùng trong quý II. Ngân hàng này cũng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2020./.