Năm ngoái, các công ty bảo hiểm nhà ở Mỹ đã gánh chịu khoản lỗ lớn do liên tục phải chi trả các khoản tiền bảo hiểm tài sản, hệ quả từ việc liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó, lạm phát dai dẳng và tình trạng gia tăng dân số ở một số khu vực thường xảy ra thiên tai cũng gây ra áp lực cho các công ty này.
Theo công ty xếp hạng tín nhiệm AM Best, các công ty bảo hiểm nhà ở đã phải chịu khoản lỗ ròng 15,2 tỷ USD vào năm ngoái. AM Best nhận định đây là khoản lỗ lớn nhất kể từ năm 2000 và cao gấp đôi so với mức của năm 2022.
Áp lực ngày càng gia tăng buộc các công ty bảo hiểm Mỹ phải rút khỏi các khu vực bị thiên tai, hoặc thậm chí rút khỏi thị trường. Một số công ty buộc phải đẩy giá bảo hiểm lên cao, gây áp lực cho nhiều chủ nhà.
AM Best nhận định dân số gia tăng ở những khu vực dễ bị thiên tai cũng là thách thức lớn đối với các công ty bảo hiểm. Các cuộc điều tra dân số cho thấy các tiểu bang thường xuyên xảy ra thiên tai, như: California và Texas, đóng góp một nửa mức tăng dân số của nước Mỹ trong hơn 10 năm qua.
Robert Gordon, phó chủ tịch cấp cao về chính sách, nghiên cứu và quốc tế tại Hiệp hội Bảo hiểm Tài sản Thương vong Mỹ, cho biết: "Các công ty bảo hiểm đang phải đối mặt áp lực từ nhu cầu tăng vọt cũng như những thách thức đến từ nền kinh tế. Thách thức không chỉ đến từ việc nhiều ngôi nhà được xây ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, mà còn là từ chi phí sửa chữa tăng vọt do lạm phát đẩy giá nhân công và vật liệu xây dựng lên cao”.
Năm 2023 ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các trận mưa lớn trên diện rộng cũng như những hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là tại Mỹ. Theo thống kê, trong năm qua, 37 hiện tượng cực đoan đã xảy ra trên toàn cầu, gây ra thiệt hại lên đến 1 tỷ USD cho ngành bảo hiểm. Phần lớn các chuyên gia bảo hiểm nhận định hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến bão, lũ lụt và cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn.
Sridhar Manyem, chuyên gia nghiên cứu ngành bảo hiểm tại AM Best, cho biết việc tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bảo hiểm.
Ngoài ra, một khó khăn mà các công ty bảo hiểm Mỹ phải đối mặt là việc định giá tài sản bảo hiểm ở một số tiểu bang như: California phải nhận được sự đồng thuận từ khách hàng và thị trường. Điều này khiến cho các công ty gặp khó trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, việc các công ty bảo hiểm được tự do định giá giúp cho họ hoạt động hiệu quả hơn cũng như ứng phó kịp thời với đà tăng của lạm phát.
Gordon cho biết: "Nếu các công ty bảo hiểm không thể định giá tài sản bảo hiểm theo cách hợp lý nhất, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi". Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng nhau hợp tác để đưa ngành này phát triển bền vững.
Trong khi đó, theo ông Manyem, các cơ quan quản lý nhà nước Mỹ đang gặp khó khăn khi đang nỗ lực điều chỉnh giá bảo hiểm nhằm ngăn chặn tình trạng tháo chạy của các công ty bảo hiểm vừa tránh gây áp lực cho các hộ gia đình.
“Họ muốn thu hút thêm nhiều công ty bảo hiểm hoặc ít nhất là duy trì thị trường hiện tại, nhưng đồng thời phải đảm bảo khả năng chi trả của người tiêu dùng” – chuyên gia này cho biết.