Các khoản thu tự nguyện đầu năm: Phụ huynh xin đừng làm khó nhau!

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi năm học mới sắp bắt đầu, các phụ huynh đưa con đến trường nhận cô, nhận bạn. Trong số đó, không ít phụ huynh nhanh tay chụp lại hình ảnh địa điểm lớp học đưa lên nhóm, tự nhận định về những điều kiện còn thiếu, đồng thời hô hào đóng góp để tu sửa, bổ sung…

Học sinh sắp bước vào năm học 2023- 2024 (Ảnh minh họa)
Học sinh sắp bước vào năm học 2023- 2024 (Ảnh minh họa)

Phụ huynh chủ động 

Đưa con đến nhận lớp 6 tại một trường công lập tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu không khỏi lo lắng, sốt ruột vì cơ sở vật chất lớp học. Lí do bởi, con chị học 3 năm mẫu giáo cộng 5 năm tiểu học đều ở trường tư thục, mọi đồ dùng trong lớp học được trang bị và bổ sung hàng năm rất đầy đủ. Khi lên cấp THCS, chị quyết định chuyển con sang học công lập tại ngôi trường xây dựng hơn 10 năm nên nhiều hạng mục đang xuống cấp.

“Thời mình đi học thiếu thốn thì không sao nhưng nhìn các con đi học mà trong cảnh không đủ đầy, tôi rất xót” – chị Thu nói. Từ đó, khi lớp chưa gặp cô giáo chủ nhiệm, chị Thu đã nhanh nhẹn liệt kê một số trang thiết bị cần bổ sung, thay mới mà lớp còn thiếu như: Điều hòa, quạt, máy chiếu, bình lọc nước, rèm cửa...

"Năm học mới sắp bắt đầu, mỗi nhà góp một chút cũng không quá tốn kém nên tôi nghĩ các phụ huynh sẽ đồng thuận vì người hưởng là chính là các con. …”.- chị Thu chia sẻ.

Hoạt động của Ban phụ huynh phải theo quy định (Ảnh minh họa)
Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải theo quy định (Ảnh minh họa)

Theo tính toán, số tiền đóng góp chia trung bình để mua sắm, trang bị các đồ dùng theo chị Thu đề xuất lên đến tiền triệu/người. Và qua tìm hiểu thủ tục, chị Thu được biết, muốn mua sắm cho lớp, phụ huynh sẽ phải viết đơn tự nguyện để xin ý kiến nhà trường. Nếu nhà trường nhất trí, phụ huynh mới được triển khai.

Qua ghi nhận, với nhiều lớp học trên địa bàn Hà Nội, số tiền phụ huynh đóng góp có thể ít hơn hoặc nhiều hơn số tiền chị Thu đề xuất nhưng việc kêu gọi xã hội hóa, đóng góp tự nguyện để mua sắm, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất cho lớp học trước thềm năm học mới là chuyện không hiếm. Thông thường, các việc này được chủ động bàn bạc trong nội bộ phụ huynh; quá trình từ đề xuất, xây dựng kinh phí, kêu gọi, nộp tiền, giáo viên chủ nhiệm đều không tham gia hoặc không biết.

Thực tế, bên cạnh đa số phụ huynh hưởng ứng, hoan nghênh tinh thần nhiệt tình của phụ huynh trong việc liệt kê, đề xuất, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất lớp học thì cũng có người phàn nàn vì thực tâm không muốn đóng số tiền mà với họ là “không thuộc phận sự của mình” và họ nộp tiền trong trạng thái miễn cưỡng.

“Trang bị cơ sở vật chất lớp học không thuộc trách nhiệm của phụ huynh. Nhà tôi không có điều kiện nên tôi cho đi học ở trường công. Trường có như nào thì con hưởng như vậy chứ không phải thấy thiếu là phụ huynh tự động bỏ tiền mua sắm. Từ nay đến đầu năm học còn biết bao khoản chính thức phải đóng góp; nếu cứ động cái lại tiền như vậy, chúng tôi không có đủ kinh phí để theo được”- phụ huynh Nguyễn Văn Nam bộc bạch.

“Nhà trường thường không biết, không can thiệp vào chuyện nội bộ của phụ huynh. Các khoản đóng góp, mua sắm cho lớp đều do phụ huynh tự đề xuất, bàn bạc, thống nhất. Phụ huynh phần vì quá sốt ruột, phần vì quá nhiệt tình nên đôi khi tự làm khó nhau”, một phụ huynh nêu ý kiến.

Đành rằng, điều kiện cơ sở vật chất của lớp học như điều hòa, quạt, đèn điện, cây nước… càng được trang bị tiện ích và hiện đại thì càng tạo điều kiện tốt để phát triển sức khỏe thể chất, tinh thần cho học sinh. Tuy nhiên, trước khi làm bất cứ vấn đề gì liên quan đến tài chính, trường lớp và tập thể thì phụ huynh cần bàn bạc kỹ càng, công khai để vừa tạo sự thống nhất, vừa tiết kiệm lại đảm bảo thực hiện đúng các quy định.

Ban phụ huynh không được thu 7 khoản

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành đầu năm học trước, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.

Ngoài nội dung các khoản thu tại Điều 3 đến Điều 12 của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, các cơ sở giáo dục công lập không được thu bất kỳ các khoản thu nào khác.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư này.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Văn bản cũng nêu rõ, việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất bằng văn bản về mức thu các khoản thu khác của các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định.

 

Mới đây, UBND huyện Thanh Trì nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội của phụ huynh lớp 1A5, Trường Tiểu học Hữu Hòa về việc “phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường; nếu không tặng thì không được lắp”. UBND huyện đã thành lập tổ công tác để tiến hành xác minh.

Báo cáo tường trình của giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 và hiệu trưởng đều khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin trên mạng xã hội nêu.

Chủ tài khoản chia sẻ nội dung trên cho biết, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 không hề nêu ra các vấn đề liên quan đến lắp đặt điều hòa mà do phụ huynh liên hệ cùng nhau tự lập 1 nhóm Zalo để bàn bạc, trao đổi các vấn đề liên quan đến học tập của con em mình (không có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm).

UBND huyện Thanh Trì đã quán triệt đến toàn thể các nhà trường phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn liên quan đến các hoạt động của trường. Trong đó, đặc biệt là công tác thu chi tài chính, tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, quà tặng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.