Sắc lệnh di trú mới của ông Trump đã liên tiếp vấp phải các thách thức pháp lý. Tại bang Hawaii, Thẩm phán cấp quận Derrick Watson kết luận, sắc lệnh hành pháp đã được ban hành với mục đích phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi. Cũng trong thứ Năm (16/3), Thẩm phán quận Theodore Chuang tại bang Maryland cũng đưa ra lệnh cấm sơ bộ trên toàn quốc. Hôm 16/3, một thẩm phán liên bang ở Washington cho biết đang xem xét một lệnh cấm tạm thời.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Bộ này có thể sẽ đệ đơn kháng cáo đối với các phán quyết của 2 thẩm phán liên bang trong tuần này.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump sẽ tạm thời cấm người tị nạn cũng như công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trump cho rằng, sắc lệnh là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Phát biểu hôm 15/3, ông Trump cho biết, sắc lệnh di trú mới là phiên bản ôn hòa hơn so với sắc lệnh đầu tiên và tuyên bố, ông sẽ đi đến cùng, bao gồm cả việc kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Các thách thức tiếp theo dành cho chính quyền của ông Trump nếu quyết định kháng cáo 2 phán quyết tại bang Hawaii và Maryland sẽ là tòa phúc thẩm khu vực 4 và khu vực 9. Cả 2 đều có thể sẽ đưa ra những phán quyết trái với mong muốn của ông Trump bởi đa số các thẩm phán do Tổng thống của đảng Dân chủ chỉ định.
Hiện tại, tòa Tối cao đang phân chia 50/50 với số thẩm phán chia đều cho cả 2 phe dân chủ và bảo thủ vì thẩm phán thứ 9 là Antonin Scalia đã qua đời hơn một năm trước.
Trong khi đó, người thay thế được ông Trump chỉ định là ông Neil Gorsuch vẫn chưa được Ủy ban tư pháp của Thượng viện thông qua.
Đảng Cộng hòa đang hy vọng Thượng viện sẽ thông qua vị trí của ông Gorsuch vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, thời điểm đó là quá muộn cho ông Gorsuch nếu muốn đưa ra phán quyết có lợi cho Tổng thống Mỹ.