Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ “ngược chiều” với Fed?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Fed phát tín hiệu có thể tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, song Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương Na Uy và Ngân hàng Dự trữ Australia, đang thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về quy mô tăng lãi suất trong tương lai. Ảnh: AP
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về quy mô tăng lãi suất trong tương lai. Ảnh: AP

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đồng bộ và mạnh mẽ nhất thế giới trong vòng 4 thập kỷ gần đây đang bước vào một giai đoạn mới khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu chuẩn bị giảm tốc độ tăng lãi suất.

Theo Bloomberg, xu hướng chuyển dịch sang chiến dịch nâng lãi suất “nhẹ tay” hơn, ít đồng đều hơn phần nào phản ánh sự chênh lệch giữa các nền kinh tế toàn cầu, trong khi đối phó với dư chấn của đại dịch và ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ cũng đang khiến một số nền kinh tế nhạy cảm hơn với việc thắt chặt tín dụng.

Trên thực tế, một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Cụ thể, các nước Anh, Australia và Canada đang chuẩn bị cho động thái thắt chặt hơn hoặc cho thấy họ sẽ không còn mạnh mẽ trong những tháng tới trong bối cảnh lo ngại Fed có thể đẩy nền kinh tế của họ vào suy thoái.

Sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ các ngân hàng trung ương đã được thể hiện một cách rõ ràng hơn trong tuần qua. Trong khi cả Fed và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều thông báo tăng lãi suất ở mức 0,75%, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã có những ý kiến ​​khác nhau về những động thái trong tương lai.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng, Ngân hàng trung ương Mỹ có "hướng đi riêng” trước khi hoàn thành việc tăng lãi suất, ngay cả khi sẽ có một mức tăng lãi suất thấp hơn vào tháng 12 tới. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về quy mô tăng lãi suất trong tương lai, trong bối cảnh lo ngại rằng chính sách quá “diều hâu” như vậy có nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái.

Trong năm nay, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tham gia vào điều mà chuyên gia kinh tế Ethan Harris của ngân hàng Bank of America gọi là “một cuộc cạnh tranh để xem ai có thể tăng lãi suất nhanh hơn”. Điều này chứng tỏ rằng lạm phát đã tác động tiêu cực đến các quyết định chính sách tiền tệ bằng cách chạy đua lãi suất lên mức cao trong hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình đang thay đổi ngay cả khi mức lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Trên thực tế, chi phí đi vay đã tăng cao hơn rất nhiều, đồng thời bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động của nhiều quốc gia. Một số nền kinh tế cũng nhạy cảm hơn về mức tăng lãi suất so với những nền kinh tế khác, do các khoản nợ hộ gia đình và doanh nghiệp hoặc ảnh hưởng của thị trường bất động sản suy yếu. “Những nền kinh tế này sẽ phải chịu suy thoái rất lâu trước khi Fed gây ra suy thoái kinh tế Mỹ” - nhà kinh tế học Dario Perkins của công ty nghiên cứu TS Lombard nhận định với Bloomberg.

Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở một số quốc gia này đã tạm dừng hoặc giảm quy mô của các đợt tăng lãi suất. Theo chuyên gia Gilles Moec - nhà kinh tế trưởng của AXA SA, một sự thoái lui nói chung vẫn cho thấy "sự kết thúc của sự khởi đầu" của chiến dịch tăng lãi suất.

Ngoài ra, một chỉ số Credit Suisse Group AG cũng cho thấy số lượng những ngân hàng trung ương có quan điểm ôn hòa trong thời gian gần đây đã bắt đầu nhiều hơn những ngân hàng trung ương với quan điểm “diều hâu”.

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa “diều hâu” cho rằng mức lãi suất toàn cầu cao nhất vẫn chưa được thiết lập và có thể phải đến cuối quý đầu tiên của năm 2023, hoặc thậm chí lâu hơn nếu lạm phát không giảm.

Theo Bloomberg Economics, lãi suất bình quân của các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể đạt 5,5% vào giữa năm tới, tăng từ 2,9% vào cuối năm 2021. Riêng ở các nền kinh tế tiên tiến, Bloomberg Economics dự đoán mức tăng từ 0,1% lên 3,5%.