Tại các nền kinh tế đang phát triển, nhiều quốc gia đã “phát ngấy” trước sự thống trị của đồng bạc xanh của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu - đặc biệt là trong bối cảnh việc tăng giá chóng mặt của đồng USD. Các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ hội để bày tỏ “nỗi bất bình” vào tuần này khi được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg (Nam Phi).
Giới chuyên gia cho rằng trên thực tế, việc từ bỏ đồng USD trong giao dịch thương mại không phải là điều dễ dàng đối với các nước đang phát triển.
Đồng bạc xanh cho đến nay là loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong kinh doanh toàn cầu và đã vượt qua nhiều thách thức trong quá khứ nhờ tính ưu việt của nó.
Dù đã có những cuộc thảo luận về việc các quốc gia BRICS sẽ tung ra đồng tiền thay thế USD, song hiện vẫn chưa có đề xuất cụ thể nào được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm này dự kiến bắt đầu từ ngày 22/8. Tuy nhiên, nhóm BRICS gần đây đã bàn thảo về việc mở rộng giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ của các nước thành viên để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tại một cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Naledi Pandor của Nam Phi cho biết Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của khối sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế “loại tiền tệ được giao dịch quốc tế hiện tại” - ám chỉ tới đồng USD. Tham dự cuộc họp có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu.
Các nền kinh tế đang phát triển bày tỏ lo ngại rằng sự biến động của đồng USD có thể gây bất ổn cho nền kinh tế của họ. Chẳng hạn, đồng USD tăng giá mạnh có thể kéo theo làn sóng rút vốn đầu tư khỏi các quốc nước đang phát triển, làm tăng chi phí trả các khoản vay bằng USD và mua các sản phẩm nhập khẩu.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Kenya William Ruto đã lên tiếng phàn nàn về sự phụ thuộc của châu Phi vào đồng USD và khủng hoảng nền kinh tế khi giá trị đồng shilling của Kenya lao dốc. Tổng thống Ruto kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia một hệ thống thanh toán toàn châu Phi non trẻ sử dụng đồng nội tệ để thúc đẩy thương mại giữa các nước trong châu lục.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng ủng hộ một đồng tiền chung trong giao dịch thương mại của khối Nam Mỹ Mercosur cũng như thương mại giữa các quốc gia BRICS.
“Tại sao Brazil cần sử dụng USD để giao dịch với Trung Quốc hoặc Argentina? Chúng tôi có thể giao dịch bằng đồng nội tệ của mình” - nhà lãnh đạo phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp trong tháng này.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, nhóm BRICS và các nước đang phát triển có thể dễ dàng chỉ ra những hạn chế của việc sử dụng USD trong giao dịch thương mại, nhưng họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm được giải pháp thay thế đồng nội tệ của Mỹ.
Theo tính toán từ các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong giai đoạn từ 1999-2019, khoảng 96% giao dịch ở châu Mỹ, 74% giao dịch ở châu Á và 79% những nơi còn lại ngoài châu Âu, được thanh toán bằng USD.
Vai trò của đồng USD đối với thương mại toàn cầu đã bị thu hẹp phần nào trong những năm gần đây khi các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, 24 năm kể từ khi đồng euro ra đời, đồng tiền số hai thế giới hiện vẫn chưa thể vượt qua đồng USD về mức độ hấp dẫn quốc tế. Đồng bạc xanh được sử dụng trong giao dịch ngoại hối nhiều gấp 3 lần so với đồng euro, nhà kinh tế Jeffrey Frankel của Đại học Harvard chỉ ra trong một báo cáo công bố vào tháng 7 vừa qua.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng bị hạn chế một phần do Bắc Kinh từ chối để đồng tiền này được giao dịch tự do trên thị trường thế giới.
Chuyên gia phân tích cấp cao về các vấn đề toàn cầu Mihaela Papa tại trường Fletcher thuộc Đại học Tufts nói với hãng tin AP: “Không có lựa chọn thay thế nào có thể đạt được mức độ thống trị toàn cầu như đồng USD. Vì vậy, các nước BRICS không thể hiện thực hóa được ý tưởng tung ra một loại tiền tệ mới thay thế USD trong một sớm một chiều. Tôi nghĩ chẳng đường này còn rất dài”.