Các nước châu Á - Thái Bình Dương chưa tìm ra giải pháp thay thế TPP

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) diễn ra ở Philippines cho thấy, khó đạt được một thỏa thuận trong năm nay.

RCEP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm, khiến việc hiệp định này có hiệu lực trở nên mong manh. 
 Các quan chức thương mại trong vòng đàm phán RCEP hồi tháng 5/2017.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Thương mại Philippines Ceferino Rodolfo nhận định RCEP là “lựa chọn duy nhất căn cứ vào các cuộc đàm phán TPP hiện nay”. Đã 4 năm trôi qua để từ khi bắt đầu đàm phán RCEP với 19 cuộc thảo luận, tuy nhiên, ông Rodolfo thừa nhận, các nước tham gia đàm phán RCEP đã từ bỏ mục tiêu đạt được thỏa thuận này trong năm nay, do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế cũng như việc mở cửa các dịch vụ.
Trong đó, trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế quan. Những nước tham gia đàm phán RCEP hiện vẫn chưa thống nhất về mức hạ thuế quan và thời gian áp dụng mức cắt giảm. Trong số những nước tham gia đàm phán RCEP, các nước phát triển bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand là thành viên của TPP. Những nước này hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được.
Tuy nhiên, những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối của các DN trong nước nên New Delhi cho rằng, việc đạt tự do hóa cao như thỏa thuận TPP là không thực tế. 
Ngoài ra, giới quan sát nhận định, đang tồn tại cuộc ganh đua nhằm tạo dựng dấu ấn lên khuôn khổ của RCEP giữa hai nền kinh tế lớn của khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản.
RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Quan chức thương mại các nước tham gia đàm phán RCEP cho biết, họ sẽ cố gắng đạt được tiến triển quan trọng trong các cuộc thương lượng muộn nhất là trong tháng 11, thời điểm lãnh đạo 16 nước có cuộc họp tiếp theo tại Manila.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần