Nhiều nghi ngại sau thỏa thuận của các nước OPEC và ngoài OPEC

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thỏa thuận đạt được cuối tuần trước, các nước xuất khẩu (XK) dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia XK dầu ngoài OPEC sẽ cắt giảm gần 2 triệu thùng/ngày từ đầu năm sau.

Lần đầu tiên kể từ năm 2001, các nước OPEC và các quốc gia XK dầu ngoài OPEC đã đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng.
Bất chấp những tranh cãi trong gần một năm, các nước XK dầu không thuộc OPEC đã nhất trí cắt giảm nguồn cung ở mức 558.000 thùng/ngày. Mức cắt giảm này thấp hơn mức 600.000 thùng dầu như kỳ vọng nhưng là nỗ lực lớn nhất của OPEC trong thời gian qua.
 Việc các nước OPEC và ngoài OPEC đạt được thỏa thuận là tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ.
Việc lần đầu tiên trong 15 năm, OPEC và các nước không thuộc OPEC đạt được một thỏa thuận toàn cầu cho thấy, hai bên đã vượt qua được những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề về sản lượng dầu. Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar al Sada, thỏa thuận của các nước ngoài OPEC là một hành vi có trách nhiệm hướng tới việc bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới, qua đó sẽ mang lại những kết quả tích cực không chỉ đối với các nhà sản xuất, XK và cả người tiêu dùng. 
Tuần trước, OPEC đã cam kết ngưng cung cấp 1,2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ đầu năm sau. Các quyết định này được đưa ra sau hơn 2 năm giá dầu giảm 50% kể từ năm 2014, do dư thừa nguồn cung trên thị trường. Các nhà bình luận nhận định, Nga là yếu tố quan trọng trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này. Trước tiên, trong số 558.000 thùng dầu/ngày được cắt giảm theo thỏa thuận, 300.000 thùng là sản lượng cắt giảm của Nga. Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak tuyên bố, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 10.947.000 thùng sau 6 tháng. Trước đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hoàng tử Ả Rập Mohammed bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc hồi tháng 9 đã đưa đến một đề nghị hợp tác giá trị để cứu thị trường dầu mỏ thế giới. Bộ trưởng Năng lượng Nga cũng chia sẻ, cuộc đàm phán giữa OPEC và ngoài OPEC đã được “cứu” sau khi Ả Rập Saudi bổ nhiệm ông Falih - người được cho là có nhiều ý tưởng mới mẻ - thay cho Bộ trưởng Dầu mỏ kỳ cựu Ali al-Naimi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn đặt nghi vấn về tính ổn định của thỏa thuận này. OPEC có “truyền thống” về việc không chấp hành đầy đủ các thỏa thuận về hạn ngạch sản lượng. Việc Nigeria và Libya đang được miễn cắt giảm do xung đột dân sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất sẽ đặt áp lực khiến “ông lớn” OPEC là Ả Rập Saudi phải gánh vác “bù” số lượng trong nhiệm vụ giảm nguồn cung.
Các nhà bình luận nghi ngờ, nhiều nước XK dầu không thuộc OPEC khác sẽ thực hiện thỏa thuận một cách đối phó bởi không có một ràng buộc pháp lý nào nhằm ngăn chặn việc gian lận trong sản lượng cắt giảm. "Tất cả các nước đang được hưởng mức giá cao hơn và thỏa thuận có xu hướng được thực hiện tốt trong giai đoạn đầu. Nhưng sau đó, khi giá tiếp tục tăng, thỏa thuận sẽ không còn được đảm bảo” - ông Gary Ross - người sáng lập cơ quan tư vấn năng lượng Pira cho biết. Bên cạnh đó, mục tiêu đạt mức 60 USD/thùng dầu của OPEC có thể khuyến khích các nước đối thủ ngoài OPEC đẩy mạnh sản xuất, ông Ross cảnh báo. Quan trọng nhất, thỏa thuận này chỉ kéo dài đến giữa năm 2017. Không ai dám chắc chắn liệu cam kết này có đảm bảo giá dầu tăng đến mốc mà các nước mong muốn hay không trong khi thị trường vẫn cần một chương trình cắt giảm "dài hơi" hơn để hạn chế nguồn cung đang dư thừa ở mức kỷ lục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần