Ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng dầu khai thác.
Theo ông, đây là nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới tăng lên trên 70 USD/thùng - mức cao nhất kể từ cuối 2014 trong tuần này, đồng thời khẳng định không chấp chận mức giá cao hiện nay.
Trong tuyên bố trên Twitter ngày 20/4, Tổng thống Trump cho rằng giá dầu tăng cao phi lý trong bối cảnh dự trữ dầu "đầy ắp mọi nơi" là điều không ổn. Ông Trump nhấn mạnh "sẽ không chấp nhận" thực tế này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi, ông Khalid Al-Falih, (ngồi giữa) tại phiên họp của các bộ trưởng OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác ngày 20/4. |
Phản ứng trước tuyên bố trên của Tổng thống Trump, một số nước xuất khẩu dầu mỏ khẳng định giá dầu không bị thổi phồng. “Giá dầu không cao một cách giả tạo, Bộ trưởng Dầu mỏ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Suhail Al Mazrouei nhấn mạnh. “Chúng tôi chỉ nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu, giá dầu là do thị trường quyết định" – Bộ trưởng Al Mazrouei nói. Theo ông Al Mazrouei, rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, bên cạnh nguồn cung và nhu cầu, còn bao gồm cả địa chính trị, điều này vượt ra khỏi tầm kiểm soát của OPEC.
Cũng có quan điểm đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih cho rằng thị trường thế giới có khả năng thích ứng với giá dầu cao hơn nữa và ông không thấy có bất cứ ảnh hưởng nào đến nhu cầu dầu với mức giá cao hiện nay. “Giá dầu hiện phục hồi lên hơn 70 USD/thùng sau khi giá giảm xuống mức 26 USD vào tháng 1/2016. Tôi chưa thấy bất kỳ tác động nào đến nhu cầu với giá cả hiện tại,” ông Faleh nói với các phóng viên tại cuộc họp các bộ trưởng OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác.
Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo cũng lên tiếng bảo vệ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu của các thành viên trong và ngoài OPEC, cho rằng hiệp ước này đã ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu toàn cầu, hỗ trợ ngành khai thác dầu khỏi nguy cơ đổ vỡ và đang tiếp tục khôi phục sự ổn định dựa trên lợi ích của các nhà sản xuất, khách hàng và nền kinh tế thế giới.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết khối này không có mục tiêu về giá nào mà chỉ đang nỗ lực tái bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới.
Tại cuộc họp nhóm OPEC và các đối tác tại TP Jeddah (Ả Rập Saudi) ngày 20/4, các quan chức năng lượng nhận định giá dầu hưởng lợi tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng chính trị toàn cầu, bao gồm tình hình bất ổn kinh tế-chính trị tại Venezuela, mối đe dọa đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran và chiến sự leo thang tại Syria.
OPEC và các nước đối tác, dẫn đầu là Nga, bắt đầu tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày có hiệu lực từ tháng 1/2017 để đưa kho dự trữ toàn cầu về mức trung bình 5 năm và “cứu” giá dầu. OPEC và các đồng minh đã cắt giảm 45-49% tương đương mức 1,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3.
Thỏa thuận này sẽ kéo dài đến hết năm nay. Trong tháng 6, OPEC sẽ nhóm họp để xác định liệu có cần điều chỉnh các điều khoản của thỏa thuận theo điều kiện thị trường hiện nay hay không.
Thoả thuận cắt giảm đã đạt được những kết quả ấn tượng, xóa bỏ 97% thặng dư hàng tồn kho mục tiêu. Kế hoạch đã hoàn thành ngoài mong đợi, thị trường dầu mỏ đang dần ấm lên, nhưng OPEC và Nga dường như muốn kéo dài thỏa thuận này đến năm 2019.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih, những mục tiêu cắt giảm sẽ tiếp tục được kéo dài vì một mục tiêu quan trọng khác. Đó là thúc đẩy đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt ở mức vừa đủ vẫn đang là kế hoạch.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông al-Faleh, cho rằng, không có lý do gì để dừng lại chỉ vì mục tiêu ban đầu của hiệp ước. Mức dự trữ đang trở lại với mức trung bình 5 năm qua đang đến gần. “Sẽ không loại trừ việc cắt giảm sản lượng trong năm nay, nhưng điều đó sẽ còn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình trên thị trường”, ông Novak nói.
Reuters đưa tin trong tuần này rằng Ả Rập Saudi muốn giá dầu tăng lên hơn 80 USD/thùng để hỗ trợ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng dầu quốc doanh Saudi Aramco.
Điều này khiến nhiều người cho rằng người Ả Rập Saudi có thể vận động hành lang để thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước trong và ngoài OPEC.