Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước Trung Đông thúc đẩy cạnh tranh AI

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia vùng Vịnh đang tích cực đầu tư vào AI để đa dạng hóa nền kinh tế và giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trong những năm gần đây, không chỉ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mà nhiều quốc gia khác trong khu vực Trung Đông cũng đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với tham vọng trở thành những trung tâm AI hàng đầu thế giới.

Theo một báo cáo của PwC, AI có tiềm năng mang lại lợi nhuận lên đến 320 tỷ USD cho khu vực Trung Đông, chiếm khoảng 2% tổng lợi nhuận toàn cầu từ ngành công nghệ này.

Stephen Anderson, chuyên gia của PwC, nhận định: “Hiện nay, các quốc gia Trung Đông đang không ngừng tăng cường đầu tư ngân sách vào việc nghiên cứu và phát triển AI”.

Ông cho biết, khu vực này đang là một trong những trung tâm thử nghiệm AI sôi động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển AI nhanh chóng đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Việc vận hành các hệ thống AI đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ, dẫn đến tăng lượng khí thải nhà kính đáng kể.

Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu (GAIN) được tổ chức tại Riyadh, Ả Rập Saudi, từ ngày 10 đến ngày 12/9. Ảnh: CNN
Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu (GAIN) được tổ chức tại Riyadh, Ả Rập Saudi, từ ngày 10 đến ngày 12/9. Ảnh: CNN

Google cho biết lượng khí thải của họ đã tăng gần 50% so với năm 2019. Nhu cầu năng lượng cho AI được dự báo có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Theo Anderson, mặc dù nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ nhưng các quốc gia vùng Vịnh vẫn có thể trở thành những trung tâm hàng đầu về công nghệ AI. Nhờ nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, các quốc gia vùng Vịnh có thể tạo ra những đột phá mới về AI, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.

UAE, Qatar và Ả Rập Saudi đang dẫn đầu trong việc đầu tư phát triển AI tại khu vực này. Đặc biệt, Ả Rập Saudi kỳ vọng AI sẽ là động lực chính để đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo dự báo gần đây của Cơ quan Dữ liệu và AI Ả Rập Saudi, AI sẽ đóng góp 12% vào GDP của nước này vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 29%.

Các quốc gia vùng Vịnh đang dẫn đầu trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ tiếng Ả Rập dựa trên dữ liệu địa phương. Được thiết lập trên lượng lớn dữ liệu đất nước, những mô hình này có thể xử lý vấn đề linh hoạt, phù hợp với ngữ cảnh văn hóa và sắc thái ngôn ngữ Ả Rập, vượt trội so với các mô hình chung như ChatGPT.

Năm ngoái, UAE đã tiên phong với mô hình Jais, trong khi Ả Rập Saudi vừa giới thiệu chatbot ALLaM. Sự hợp tác giữa các quốc gia này và các công ty công nghệ lớn như Microsoft và IBM hứa hẹn sẽ mang đến nhiều chatbot thông minh, chất lượng cao và đa dạng nền tảng trong tương lai.

Nick Studer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman Group, cho rằng việc đầu tư phát triển các mô hình ngôn ngữ tiếng Ả Rập là một bước đi mới giúp nước này thu hẹp khoảng cách với các quốc gia nói tiếng Anh, vốn đã đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, Ả Rập Saudi đang tích cực phát triển thêm nhiều mô hình ngôn ngữ nhằm phục vụ đa dạng các ứng dụng, từ giao tiếp cá nhân đến hỗ trợ các hoạt động của chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Studer cho biết: “Sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và sự sáng tạo không ngừng của doanh nghiệp sẽ sớm biến Ả Rập Saudi thành một trung tâm AI hàng đầu thế giới, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế”.

Một trong những thách thức lớn nhất trong việc phát triển AI tại các quốc gia này là cân bằng giữa việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, tuân thủ các giá trị văn hóa, tôn giáo và luật pháp quốc tế.

Ông Studer nhấn mạnh: “Sự phụ thuộc quá lớn vào các công cụ AI nước ngoài không chỉ đặt ra thách thức về quyền riêng tư hay tình trạng thất nghiệp mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia. Để đảm bảo phát triển AI một cách an toàn và bền vững, chúng ta cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện và các quy định quản lý minh bạch”.