Các nước đang phát triển kêu gọi ngừng tích trữ vaccine
Philippines cảnh báo về tình trạng khan hiếm nguồn vaccine tại các nước nghèo, Peru nói sự đoàn kết quốc tế đã thất bại, trong khi đó Ghana chỉ trích chủ nghĩa dân tộc vaccine.
Phát biểu trong phiên họp cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hôm 21/9,Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ví tình trạng khan hiếm vaccine ở những nước nghèo như một “cơn hạn hán về nhân đạo”, đồng thời nhấn mạnh thế giới cần đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống dịch.
“Trong khi các nước giàu tính đến chuyện tiêm mũi vaccine tăng cường, thì những nước đang phát triển đang chờ đợi những mũi tiêm đầu tiên cho người dân của mình. Điều này không chỉ gây sốc về niềm tin, mà phải đáng bị lên án, không thể biện minh về mặt lý trí và đạo đức” - Tổng thống Duterte cho hay.
Theo dữ liệu của Reuters, khoảng 35% những người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 là ở những nước có thu nhập cao và 28% là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một quốc gia, trong đó có Haiiti và Cộng hòa dân chủ Congo thậm chí chưa đến 1%.
Trong bài phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ hôm 22/9, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo nói rằng châu Phi đang trở thành nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc vaccine. Theo nhà lãnh đạo Ghana, khoảng 900 triệu người châu Phi vẫn đang cần vaccine để đạt được ngưỡng 70% như các nước khác trên thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque nhấn mạnh rằng vaccine Covid-19 cần phải được phân phối công bằng để tránh tạo ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 guy hiểm hơn. Tổng thống Duque lưu ý thêm rằng một số nước giàu đã tích trữ số vaccine nhiều từ 6 đến 7 lần dân số của họ và lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ ba, thì những nước khác vẫn chưa thực hiện được bất kỳ mũi tiêm nào.
Trước đó, trong phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ hôm 21/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phê phán các quốc gia giàu có trên thế giới phân phối vaccine ngừa Covid-19 không công bằng, gọi đây là một hành vi “thiếu đạo đức”.
Mỹ tiên phong trong tài trợ vaccine cho thế giới
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về ứng phó Covid-19 hôm 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine cho các quốc gia đang vật lộn để vượt qua đại dịch.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, 500 liều vaccine Pfizer sẽ được viện trợ cho các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. "Dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Mỹ sẽ trở thành kho vaccine cho thế giới" - Tổng thống Biden nói.
Cam kết tặng thêm 500 triệu liều vaccine được ông Biden thông báo tại hội nghị thượng định về Covid-19 đã nâng tổng số vaccine Mỹ chia sẻ cho thế giới lên 1,1 tỷ liều. Tổng thống Biden cũng kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao khác đưa ra tích cực hơn trong việc đóng góp vaccine.
Về tiêm chủng vaccine, Tổng thống Biden theo đuổi mục tiêu tham vọng là đến tháng 9/2022, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới được tiêm chủng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/9 cũng cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới từ nay đến cuối năm.
Tuy nhiên, ONE Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung về nghèo đói và sức khỏe cộng đồng, nhận định rằng khoản vaccine viện trợ của Mỹ sẽ không đủ và các nước giàu có khác cần phải khẩn trương tăng cường sự hỗ trợ cho các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, hoặc bỏ lỡ mục tiêu tiêm ngừa vaccine cho hơn 2,3 tỷ người trên thế giới vào tháng 9/2022.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về ứng phó Covid-19, Tổng thống Peru Pedro Castillo nói rằng ông đã đề xuất một thỏa thuận quốc tế giữa lãnh đạo các nước và các đơn vị sở hữu bằng sáng chế vaccine Covoid-19 "để đảm bảo khả năng tiếp cận” cho các nước đang thiếu nguồn cung vaccine.
Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới và nước này hiện mới tiêm chủng đầy đủ cho gần 30% dân số.
Tại khu vực Trung Đông, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo này đang gặp một rào cản khác trong nỗ lực bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19, đó là các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hiện các mặt hàng thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp nhân đạo khác được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt với Tehran vào năm 2018, song lệnh cấm vận này đã ngăn cản một số ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch tài chính với Iran./.