Đã gần một năm kể từ khi OpenAI ra mắt GPT-4, mô hình trí tuệ nhân tạo phức tạp bậc nhất và là bộ não của ChatGPT với những tính năng đột phá.
Sau khi ra đời, AI đã mang lại 6 nghìn tỷ USD cho các công ty công nghệ, trong đó nổi bật là các ông lớn: Meta, Amazon, Apple, Alphabet, Microsoft, … Đối với một số công ty công nghệ, doanh thu tăng giúp đẩy giá cổ phiếu của họ tăng vọt. Vào ngày 21/2, trong báo cáo kết quả quý 4/2023, Nvidia cho biết AI đã giúp nâng giá trị của công ty này lên đến 2 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của một số ông lớn như: Alphabet, Amazon và Microsoft khác cũng bắt đầu chứng kiến mức tăng đột biến nhờ chi tiêu mạnh tay cho công nghệ.
Tuy nhiên, doanh số bán phần mềm AI của các ông lớn công nghệ vẫn tương đối thấp. Trong năm qua, trí tuệ nhân tạo chỉ chiếm khoảng 1/5 mức tăng doanh thu tại Azure, một bộ phận điện toán đám mây của Microsoft và các dịch vụ liên quan. Mặc dù Alphabet và Amazon không tiết lộ doanh số liên quan đến AI của mình, các nhà phân tích dự đoán rằng chúng sẽ thấp hơn Microsoft.
Nhằm duy trì sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán AI, đến một lúc nào đó, các công ty sẽ cần phải nghiêm túc hơn cho lĩnh vực tiềm năng này, bắt đầu từ việc bán phần mềm trí tuệ nhân tạo cho khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên thế giới, từ ngân hàng, công ty tư vấn đến các hãng phim, được dự báo bắt đầu triển khai các công cụ giống ChatGPT trên quy mô lớn. Tuy vậy, họ cũng phải thận trọng trong việc sử dụng AI để tránh gây ra hệ lụy không mong muốn.
Tương tự như các cuộc cách mạng công nghệ trước đây với tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, chẳng hạn sự ra đời và phổ biến của máy đánh chữ vào năm 1888 đã khiến một lượng lớn công nhân tại New York, Mỹ mất việc, hay sự phát triển của máy tính đã buộc các cơ quan phải loại bỏ một số vị trí hành chính, … AI cũng có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc tương tự, dù hiện chưa có dữ liệu nào cho thấy mức độ đóng góp cụ thể của AI vào gia tăng năng suất của nền kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Tập đoàn tư vấn Boston, phần lớn các giám đốc điều hành của các công ty cho biết họ sẽ mất ít nhất hai năm để khẳng định tính hiệu quả của AI. Trong khi đó, Oliver Wyman, một nhà tư vấn khác, nhận định trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể thúc năng suất gia tăng.
Hiện tại, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các công ty đều không sử dụng ChatGPT, Gemini của Google, Copilot của Microsoft hoặc các công cụ khác trên quy mô lớn, ngay cả khi nhiều nhân viên của họ vẫn sử dụng. Theo một cuộc khảo sát của Cục điều tra dân số Mỹ đối với hàng chục nghìn doanh nghiệp Mỹ về việc sử dụng AI, chỉ số khoảng 5% công ty được hỏi cho biết có sử dụng, hơn 7% doanh nghiệp lên kế hoạch sử dụng trong vòng sáu tháng. Một cuộc khảo sát vào tháng 9/2023 cho biết các công ty nhỏ có xu hướng sử dụng AI thường xuyên hơn các công ty lớn.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây, các công ty lớn ngày càng đầu tư mạnh tay cho trí tuệ nhân tạo, tuyển dụng các nhóm chuyên gia và mua sắm trang thiết bị cần thiết. Một cuộc thăm dò ý kiến các công ty lớn của Ngân hàng Morgan Stanley cho thấy các dự án thí điểm AI tăng từ 9%-23% trong khoảng thời gian từ đầu đến cuối năm 2023.
Một số ông lớn đang liên tục tiến hành các thử nghiệm để tìm ra phương pháp sử dụng AI hiệu quả, với việc tuyển dụng hàng nghìn chuyên gia AI. Năm ngoái, Jamie Dimon, ông chủ của JPMorgan Chase cho biết ngân hàng nãy đã tìm ra 300 nhiệm vụ phù hợp cho việc sử dụng AI.
Trong khi đó, theo Capgemeni, một công ty tư vấn, hơn 500 nhiệm vụ được phát hiện có thể tận dụng các chức năng của trí tuệ nhân tạo. Còn Bayer, một công ty hóa chất lớn, cho biết họ sẽ sử dụng AI cho 700 nhiệm vụ.
Một số công ty đang phát triển phần mềm từ AI, chẳng hạn phần mềm GitHub Copilot của Microsoft, một công cụ hỗ trợ người dùng trong các môi trường phát triển tích hợp Visual Studio Code, Visual Studio, Neovim và JetBrains. Amazon, Google và Apple cũng được cho đang sử dụng phần mềm này.