Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào để hàng Việt chắc chân ở chuỗi phân phối toàn cầu?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm vừa qua, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ toàn cầu doanh nghiệp phải không ngừng “nâng cấp” năng lực cung ứng, đáp ứng quy chuẩn của nước sở tại.

Tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD tăng 17%, kim ngạch nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Riêng đối với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, thời gian này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 55,6 tỷ USD tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,9 tỷ USD tăng 21,6%, kim ngạch nhập khẩu đạt 10,7 tỷ USD tăng 15,7%. Thặng dư thương mại của khu vực châu Âu - châu Mỹ đạt 34,2 tỷ USD.

Hàng Việt giới thiệu đến người tiêu dùng tại siêu thị AEON. Ảnh: Hoài Nam
Hàng Việt giới thiệu đến người tiêu dùng tại siêu thị AEON. Ảnh: Hoài Nam

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi ngày càng có nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh sạch của thế giới, thu hút được các chuỗi siêu thị, chuỗi cung ứng quốc tế thu mua sản phẩm…

Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam, Giám đốc Tập đoàn Aeon Top Valu Việt Nam Yuichiro Shiotani cho biết, với hệ thống siêu thị khắp 17 quốc gia trên thế giới, hiện Việt Nam là thị trường được Aeon chú trọng trong nhập khẩu hàng hóa và phát triển sản phẩm. “Theo hợp tác chiến lược giữa Aeon và Bộ Công Thương, đến năm 2025, Aeon sẽ xuất khẩu 1 tỉ USD hàng Việt qua hệ thống phân phối của tập đoàn trên toàn thế giới. Trong đó, doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi sản lượng thu mua xoài, chuối tươi từ Việt Nam, thay thế hoàn toàn nguồn cung từ các nước Đông Nam Á”- ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.

Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại Tuần hàng Việt tổ chức tại AEON. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với phản ánh này, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới-  siêu thị Walmart (Hoa Kỳ) Nguyễn Đức Trọng cho biết, với doanh số đạt hơn 600 tỉ USD, hiện, Walmart hiện có hơn 10.500 siêu thị trên thế giới. Riêng mảng tìm kiếm nguồn cung tại Châu Á hiện Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng hàng đầu của Walmart tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời là một trong nhóm năm quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc.

“Năm 2023 Walmart thu mua 7 tỉ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi. Dự kiến trong những năm tới Walmart sẽ đa dạng tất cả mặt hàng từ tiêu dùng đến thực phẩm như xoài đông lạnh, trà, cà phê… “Hàng “Made in Việt Nam” đưa vào hệ thống Walmart tiêu thụ sẽ có xu hướng tăng bởi sự chuyển dịch của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang Việt Nam. Đây là cơ hội cho Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”-ông Trọng nhấn mạnh.

Bài toán cho các nhà cung ứng Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù hàng Việt đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn, để chắc chân trong hệ thống cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải liên tục “nâng cấp” năng lực cung ứng.

Liên quan đến việc nâng cấp năng lực cung ứng, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki thông tin, AEON đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh. Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu này.

Hàng Việt tiếp cận đối tác nước ngoài thông qua Tuần hàng Việt tại AEON. Ảnh: Hoài Nam
Hàng Việt tiếp cận đối tác nước ngoài thông qua Tuần hàng Việt tại AEON. Ảnh: Hoài Nam

"Mỗi nước có quy định khác nhau về quản lý chất lượng và quy chuẩn sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này với điều kiện là phải bỏ thêm tâm sức và chi phí"- ông Furusawa Yasuyuki chỉ rõ.

Với thị trường Hoa Kỳ, đại diện hệ thống siêu thị Walmart cho rằng, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp đang cấp hàng cho siêu thị. Tuy nhiên, đa phần là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp thuần Việt chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chủ yếu là nhà cung cấp thứ cấp. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt thiếu khả năng tìm hiểu thị trường để đáp ứng xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ và chưa việc trực tiếp với các nhà bán lẻ của Mỹ.

Để hàng Việt tăng hiện diện tại hệ thống cung ứng toàn cầu, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ theo hướng đáp ứng các quy định về chất lượng, quy trình sản xuất… nước sở tại. Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi hệ thống bán lẻ quốc tế hỗ trợ thiết kế, chọn lựa sản phẩm phù hợp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống cung ứng .

Tuần hàng Việt tại AEON hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống cung ứng toàn cầu
Tuần hàng Việt tại AEON hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống cung ứng toàn cầu

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương) Đỗ Ngọc Hưng cho biết, các hệ thống như Walmart, Cotsco, Amazon đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm và  có nhiều yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Vì vậy, để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần quan tâm đến những tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối nước sở tại. “Doanh nghiệp nên đẩy mạnh phối hợp với hiệp hội ngành hàng tại các bang, nhà phân phối, cơ quan xúc tiến từ đó mở rộng việc kết nối tiêu thụ sản phẩm...”- ông Hưng hiến kế.