Sự thật rõ ràng là Nga đã "đánh bại" những trừng phạt của phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế và buộc nước này phải rút khỏi Ukraine, hai cựu quan chức - David H. Rundell, cựu trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Mỹ ở Ả Rập Saudi, và Đại sứ Michael Gfoeller, cựu cố vấn chính trị của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, người đã có 15 năm làm việc tại Liên Xô cũ, khẳng định với Newsweek.
Theo Mordern Diplomacy, nền kinh tế Nga đang phát triển nhanh chóng với GDP tăng trưởng ấn tượng 5,5% trong quý III/2023. Chưa có số liệu cuối cùng của năm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Nga trong cả năm 2023 sẽ vượt quá 3%.
Trong khi đó, năm 2023, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4%. Kinh tế Đức suy giảm và toàn bộ EU tăng trưởng chưa đến 1%. Thay vì rút khỏi Ukraine, Nga đã tăng quy mô lực lượng từ 190.000 quân vào tháng 2/2022 lên hơn 600.000 quân hiện nay.
Từ tháng 2/2022 đến tháng 2/2023, các nước phương Tây đã áp đặt lên Nga chế độ trừng phạt sâu rộng nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Tổng cộng, đã có hàng nghìn lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức chính phủ Nga nhưng Moscow đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế.
Lý do là Nga có trữ lượng lớn vàng, ngũ cốc, dầu mỏ và đối tác và tất cả đều được Moscow sử dụng một cách hiệu quả để đánh bại các lệnh trừng phạt.
Vào tháng 3/2022, các quốc gia thành viên G7 đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga vào thời điểm đó. Điều này được cho là sẽ “biến đồng rúp thành đống đổ nát”. Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng gắn đồng rúp với vàng và hỗ trợ điều này bằng trữ lượng vàng khổng lồ và năng lực sản xuất ổn định. Quyết định này có hiệu lực chỉ trong ba tháng, nhưng điều này giúp Moscow có thời gian để định hướng lại thương mại năng lượng khỏi châu Âu và giúp nền kinh tế tổng thể thích ứng với các lệnh trừng phạt.
Gần như ngay lập tức, Nga bắt đầu chuyển hoạt động buôn bán năng lượng sang Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách đưa ra các ưu đãi giảm giá. Ngày nay, 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này là sang hai quốc gia này. Châu Âu, nơi từng nhập 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, giờ chỉ còn 4% đến 5%. Để trốn tránh các lệnh trừng phạt vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây, người Nga đã tập hợp một “hạm đội tàu chở dầu” khổng lồ, mua và cho thuê hàng trăm tàu nhằm lách các lệnh trừng phạt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga hiện xuất khẩu 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Bên cạnh đó, thông qua những đối tác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Kyrgyzstan, Moscow tiếp tục duy trì vận chuyển hàng hóa công nghệ cao như vi mạch. Ví dụ, nhập khẩu ô tô và phụ tùng phương Tây vào Kyrgyzstan đã tăng 5.500% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Nga vẫn duy trì là quốc gia sản xuất kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới. Làn sóng trừng phạt chỉ có tác động hạn chế đến hoạt động sản xuất và doanh thu kim cương của nước này. Cuối cùng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu của Nga thực sự đã tăng lên trong hai năm qua. Nhờ hiện tượng nóng lên toàn cầu, Nga vừa có một vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu khác và hy vọng sẽ có thêm nhiều ngũ cốc hơn khi Siberia ấm lên.
Những vũ khí của NATO như xe tăng HIMARS và Leopard đã không thể hỗ trợ Ukraine phản công hiệu quả. Hiện tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phong tỏa, đồng nghĩa không thể sử dụng được nhưng vẫn thuộc về Nga. Một số cố vấn chính sách đối ngoại hiện đang đề xuất tịch thu những tài sản này và bàn giao cho Ukraine. Nhưng những vướng mắc về pháp lý cho thấy điều này sẽ không hề dễ dàng.