Cải cách thuế chưa theo kịp thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để có cơ sở giải thích với DN...

Kinhtedothi - Sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để có cơ sở giải thích với DN đã được không ít Cục Thuế địa phương kiến nghị tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2016 do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tuần qua với 63 tỉnh, thành.

Ngoài ra, ý kiến xóa phạt chậm nộp thuế cho DN tiếp tục được các địa phương lên tiếng khi những khoản nợ treo đang ngày một nhiều lên, nhưng việc thu hồi khó khả thi.
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội.  	Ảnh: Thanh Hải
Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hội nghị đã nghe những kiến nghị rất xác thực với thực tế của các cục thuế: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi… về các vấn đề liên quan đến công tác thu ngân sách, thu hồi nợ, hoàn thuế…; những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế.

Điểm trừ về… hoàn thuế

Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2016, ông Trần Văn Phu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành thuế sẽ quyết tâm hoàn thành số thu nội địa (không kể dầu thô) vượt tối thiểu 8% dự toán pháp lệnh; rà soát, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh hiện đại hóa theo đúng lộ trình; tăng cường quản lý nội ngành…

Tuy nhiên, hội nghị thực sự nóng khi các vấn đề được đại diện cục thuế địa phương quan tâm và đề nghị sớm thể chế hóa việc hoàn thuế GTGT. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Ân, đây là cơ sở để Cục Thuế giải thích với DN về việc chậm hoàn thuế hiện tại. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Hải kiến nghị, nếu không làm sớm sẽ là "điểm trừ" của toàn ngành: “Nếu DN chậm nộp thuế thì phạt, nhưng cơ quan chức năng hoàn thuế chậm hàng tháng thì... không bị sao cả”. Đồng thời, ông Hải đề nghị không tính tiền phạt chậm nộp với một số DN trong diện phá sản hoặc không nộp được nên bỏ trốn, không tìm thấy địa chỉ. Đây là những trường hợp cơ quan chức năng hầu như "bó tay", nên nếu tiếp tục tính phạt chậm nộp thì tổng nợ sẽ tiếp tục tăng lên nhưng khả năng thu hồi thì rất ít.

Đóng góp về giải pháp trong thu hồi nợ thuế, ông Hải cho rằng, quy định hiện nay nêu rõ, việc DN nợ thuế muốn nộp dần theo phân kỳ phải được ngân hàng bảo lãnh, nhưng thực tế ở Bắc Ninh không có trường hợp nào được nộp nợ thuế dần theo phân kỳ. Vì vậy, ông Hải đề xuất thay vì ngân hàng bảo lãnh cho DN, cơ quan thuế có thể được trao quyền để quyết cho một số DN nộp thuế phân kỳ và có cam kết đầy đủ. "Hiện, phần lớn các DN nợ thuế là do khó khăn về tài chính, nếu áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế có thể dẫn tới phá sản mà không thu được đồng nào" - ông Hải thẳng thắn.

Không làm khó doanh nghiệp

Trước những ý kiến rất thực tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, hiện thông tư cho vấn đề này đã chậm tới... 9 tháng so với kế hoạch trước đó. Đồng thời chia sẻ, pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc chặt chẽ trong hoàn thuế. Đưa ra ví dụ về hoàn thuế với sản phẩm thô hay sản phẩm qua chế biến, ông Tuấn cho rằng, ranh giới giữa những sản phẩm như vậy hiện chưa có tiêu chí minh bạch, rõ ràng: “Vấn đề này không phải nhắc lần đầu mà đã được nêu lên 3 năm nay, nhưng hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang phải chọn giải pháp… chịu khó với nhau". Ông Tuấn dẫn trường hợp, DN mới kinh doanh được 1 - 2 năm rồi lỗ, cơ quan chức năng cứ treo nợ thuế khiến các DN khó kinh doanh tiếp bởi nếu vay ngân hàng thì phải nộp hết nợ cũ. "Chúng ta chỉ cho người ta kinh doanh một lần thôi à? Có thể thất bại những ngày đầu kinh doanh chưa phải nguy cơ mà là cơ hội để phát triển" - ông Tuấn nói và cho rằng, đây là vấn đề "tự ta đang làm khó chúng ta”.

Về chống thất thu ngân sách, ông Tuấn đề nghị ngành thuế phải có cơ sở dữ liệu người nộp thuế với những chỉ tiêu tài chính rõ ràng. Theo đó, muốn đấu tranh chống chuyển giá không thể không có cơ sở dữ liệu nhưng phải tập hợp theo tờ khai, có cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chứ không thể "tùy tiện tập hợp" rồi thích chọn ai thì chọn để hỗ trợ hoặc thanh, kiểm tra. Mấu chốt là không làm khó người nộp thuế. Đó mới là cơ sở để các cục thuế có công cụ đấu tranh, chống thất thu ngân sách. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới cần lượng hóa cụ thể, thể hiện rõ với bảng biểu, thống kê từng chỉ tiêu thanh tra, từng địa phương. “Nhiều địa phương đạt kết quả vượt mức nhưng phải làm rõ ràng chỉ tiêu nào đạt được, từng địa phương được bao nhiêu, người nào làm được, người nào cần phấn đấu…" - ông Tuấn đề nghị. Đồng thời yêu cầu, nhiệm vụ của ngành thuế năm 2016 phải bám sát đề án phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo thu nội địa chiếm tỷ trọng trên 80% tổng thu, thay vì 70% như 5 năm vừa qua; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thuế; thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xóa nợ, xóa nợ chậm nộp cho DN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa ngành thuế…

 
Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành thuế cần tập trung cải cách hành chính đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế; những nỗ lực của ngành thuế trong việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn
 Thứ trưởng Bộ Tài chính