Hà Nội: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp
Kinhtedothi-Trong 5 năm qua, TP Hà Nội tập trung đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Báo cáo sơ kết 5 năm (2021-2025) thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh CCHC Nhà nước giai đoạn 2026-2030 của TP Hà Nội.
“5 rõ, 1 xuyên suốt” trong điều hành cải cách hành chính
Theo UBND TP, từ năm 2021 đến nay, TP xác định CCHC là một trong những khâu đột phá để phát triển KT-XH của Thủ đô; Thành ủy xây dựng thành Chương trình công tác (Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021-2025). Chính vì vậy, công tác CCHC luôn có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất từ các cấp ủy đảng đối với chính quyền; được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia vào cuộc và giám sát của cả hệ thống chính trị; được các cấp, ngành, người dân đồng tình ủng hộ.
Công tác triển khai Chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ đã được TP thực hiện bài bản, nghiêm túc, khoa học, công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú, hiệu quả; hệ thống văn bản chỉ đạo và triển khai được xây dựng thành hệ thống khoa học, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy; việc xác định chủ đề, nội dung trọng tâm về CCHC trong từng năm phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô.
Đáng chú ý, TP triển khai và điều hành theo phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt”; quá trình triển khai đi đôi với kiểm tra, đánh giá, động viên, khen thưởng kịp thời đã giúp nhận thức của lãnh đạo các cấp, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ, Kế hoạch CCHC của TP được nâng lên, có sự chuyển biến rõ rệt.
TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác và phục vụ người dân, doanh nghiệp, Hệ thống E-Cabinet được triển khai, hướng tới mô hình quản lý văn bản và hồ sơ điện tử, giảm thiểu giấy tờ trong các cuộc họp. Các hệ thống công nghệ số như quản lý văn bản, thông tin báo cáo, và quản lý cuộc họp được vận hành thông suốt, tạo sự liên thông trong điều hành.
Đặc biệt, ứng dụng iHanoi đã ra mắt, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp, tính đến nay đã có khoảng 16 triệu lượt người truy cập, sử dụng. Hiện có 1.446.705 người đăng ký tài khoản trên ứng dụng iHanoi, trong đó 70.573 người dùng đăng ký mới bằng VneID.
Công dân kê khai hồ sơ để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hai Bà Trưng
Cấp nào sát dân nhất thì giao cấp đó giải quyết thủ tục hành chính
Trong những lĩnh vực của công tác CCHC 5 năm qua, đáng chú ý lĩnh vực cải cách TTHC của TP Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực, nổi bật.
TP tiếp tục xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện TTHC và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại.
Để triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, từ năm 2021 đến nay, TP đã ban hành hàng nghìn văn bản liên quan kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành những kế hoạch để triển khai thực hiện.
Đặc biệt trong 5 năm qua, TP tập trung đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC với phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành phương án ủy quyền giải quyết TTHC, toàn TP đã có 708/1.895 TTHC đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 40%.
Để giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức, người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ quản lý, điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện. Trong đó, TP tạo điều kiện cho cấp huyện phát huy cao nhất tính sáng tạo, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp.
Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP Hà Nội và Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 14/10/2022 về thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội, bảo đảm việc phân cấp được thông suốt, đặc biệt là đối với các lĩnh vực có sự điều chỉnh quy định phân cấp; Quyết định số 4610/QĐUBND ngày 22/11/2022, phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND TP Hà Nội.
Hà Nội đã có 617 TTHC được ủy quyền. Trong đó ủy quyền từ UBND TP về sở là 162 TTHC, từ UBND TP về UBND cấp huyện là 5 TTHC, từ Chủ tịch UBND TP về các sở là 3 TTHC, từ Chủ tịch UBND TP về Chủ tịch UBND cấp huyện là 17 TTHC, từ sở về trưởng phòng là 222 TTHC, từ sở về UBND cấp huyện là 82 TTHC, từ sở về UBND cấp xã là 1 TTHC; từ phòng thuộc sở về phòng thuộc UBND cấp huyện là 30 TTHC, từ UBND cấp huyện về trưởng phòng cấp huyện là 71 TTHC; từ UBND cấp huyện về cấp xã là 18 TTHC, từ UBND cấp huyện về Ban Quản lý KCN&CX là 4 TTHC, từ phòng thuộc UBND cấp huyện về thủ trưởng cơ sở giáo dục là 2 TTHC.
Như vậy, cùng với 91 TTHC đã được phân cấp, ủy quyền trước đó, tổng số TTHC của TP được phân cấp, ủy quyền là 708 TTHC, chiếm gần 40% tổng số TTHC của TP. Nhờ phân cấp ủy quyền, đã giảm tầng nấc trung gian, đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, cùng với thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân đã không phải đi lại hoặc giảm thời gian đi lại, tiết kiệm thời gian và chi phí…

Hà Nội: Công bố các quyết định về công tác cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP
Kinhtedothi-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội khẳng định, việc công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm, phân công cán bộ hôm nay là dấu mốc quan trọng khẳng định quyết tâm chính trị của tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trong thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Mặt trận, sẵn sàng cho những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1417/QĐ-TTg ngày 30/6/2025 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền.

Hà Nội đề xuất thí điểm cơ chế “ủy quyền số” trong thực hiện thủ tục hành chính
Kinhtedothi - Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải, TP Hà Nội đề xuất thí điểm cơ chế “ủy quyền số” trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính...