Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách Tổ chức bộ máy hành chính: Không phải chỉ “gọn cơ học”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính thế nào cho hiệu quả tiếp tục “nóng” lên khi Đoàn giám sát của Quốc hội đưa vấn đề này ra thảo luận.

Nhiều ý kiến đã chỉ ra một thực tế, tinh gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là một chủ trương đúng, nhưng do việc sắp xếp ở một số đơn vị mới hiện mang tính “lắp ghép cơ học” nên nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Số người vẫn tăng
Nhìn nhận về cơ sở pháp lý của cải cách bộ máy hành chính, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập… Với những quy định này, tinh thần cải cách bộ máy hành chính đã được thể hiện trong các giải pháp lập pháp của Quốc hội, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, việc sắp xếp thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ; mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung nhưng lại có xu hướng phình to thêm các biên chế hành chính ở trong cơ cấu các bộ.
 Nhân viên hải quan Nội Bài kiểm tra hàng hóa thông quan. Ảnh: Chiến Công
Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng quy định rất cụ thể về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng nhiều ý kiến nhận định, trên thực tế, việc quản lý biên chế vẫn còn nhiều tồn tại, đó là một số cơ quan, tổ chức vẫn đề nghị bổ sung biên chế công chức đối với những tổ chức thành lập mới; một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được T.Ư giao hàng năm. Trong khi đó, việc thực hiện tinh giản biên chế chậm, chưa đúng kế hoạch, một số cơ quan thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng quy định.
Dẫn ra những số liệu về tình hình thực hiện biên chế từ năm 2014 đến 30/10/2016, ông Nguyễn Văn Tùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ (Ban Tổ chức T.Ư) cho biết: Năm 2014, tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là hơn 3,68 triệu người (trong đó khối hành chính có biên chế công chức hơn 1,6 triệu người, khối sự nghiệp gần 2,1 triệu người). Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế T.Ư giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao.
Nguyên nhân, theo ông Tùng, là do tâm lý ngại va chạm nên nhìn chung các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của T.Ư về quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Cho đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế đánh giá các bộ khoa học, phù hợp. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”. Thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ.
Theo ông Thái Quang Toản - Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ, đến ngày 22/2 đã có 20 bộ gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định, phần lớn đều đề xuất tăng biên chế, chỉ có 2 Bộ là Công Thương và Nội vụ là giảm, trong đó Bộ Công Thương xin giảm hẳn một tổng cục xuống thành cục.
Sáp nhập cơ học
Đánh giá về một số việc thực hiện chủ trương tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, PGS. TS Lê Minh Thông - Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp lại các bộ thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Hiện, cơ cấu bên trong các bộ lại đang có xu hướng phình to hơn và theo đó là tăng thêm biên chế hành chính. Một số bộ thực hiện việc sáp nhập với nhau theo hình thức nguyên trạng, các đơn vị trong các bộ cũ, tổng cục cũ, ban cũ hầu như vẫn giữ nguyên. Những hạn chế này dẫn đến mô hình “bộ nhỏ trong bộ to”. “Cần xác định rõ mục tiêu của việc tổ chức bộ đa ngành không phải là nhằm giảm bớt số đầu mối của Chính phủ mà phải nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước” - ông Thông nhận định và cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, điều kiện thực tế của các bộ trước khi sáp nhập. Việc tổ chức các bộ đa ngành phải được tiến hành đồng thời với việc tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu bên trong của các bộ. Chỉ khi sắp xếp lại cơ cấu bên trong bộ một cách khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới thì mới có thể hình thành được một cấu trúc hợp lý.
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng nêu lên thực trạng: Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng thêm, chia nhỏ chức năng. Nhìn chung tâm lý muốn tăng chứ không muốn giảm đang khá phổ biến. “Việc tổ chức các phòng thuộc vụ còn phức tạp hơn. Từ chỗ cấp phòng được tổ chức cá biệt ở một vài bộ thì đến những năm gần đây đã trở nên phổ biến” - ông Sơn ví dụ. Đồng thời cho rằng, để chấm dứt tình trạng này, cần có quy định không nên để các bộ, ngành tự dự thảo nghị định về tổ chức bộ máy của mình, nên tập trung vào một đầu mối trách nhiệm, nâng cao vai trò của Bộ Nội vụ. Không để quy định có tính chất mềm, nước đôi đối với việc xác định tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập phòng thuộc vụ, kiên quyết loại bỏ cơ chế này. Phải giữ nghiêm các quy định về chức danh cấp phó, không để vi phạm hoặc lạm dụng theo hướng tự đặt ra cấp, chức danh như “thứ nhất”, “thường trực”, “hàm cấp vụ”...q
Phân cấp mạnh hơn
Bên cạnh những thành tựu và kết quả trong tiến trình cải cách, tinh giản bộ máy Chính phủ đáng ghi nhận, trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập cần tiếp tục phải điều chỉnh, trong đó cần tiếp tục cơ cấu lại bộ máy Chính phủ tinh gọn hơn theo yêu cầu tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở làm rõ Nhà nước làm đúng việc của mình, còn chuyển giao cho xã hội, DN và các tổ chức xã hội bằng chính sách xã hội hóa. Các chủ trương đẩy mạnh phân cấp - phân quyền T.Ư - địa phương tiến hành còn chậm chạp, lúng túng. Phải phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương theo hướng việc nào địa phương làm tốt thì phân cấp để đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ  Thang Văn Phúc

Hoạt động của bộ máy hành chính ngày càng được cải thiện
Qua một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy, người dân ngày càng đánh giá cao chất lượng dịch vụ công. Các cấp chính quyền và từng cơ quan hành chính Nhà nước đã thực hiện rà soát các loại thủ tục hành chính, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN; giảm mạnh các loại thủ tục hành chính gây phiền hà. Ngoài ra, việc công bố công khai các thủ tục, các loại giấy tờ, biểu mẫu và quy định về thời gian giải quyết, phí và lệ phí giúp người dân nắm rõ về các quy trình hành chính, tạo thuận lợi cho việc thực hiện. Tuy nhiên, người dân, các DN chưa thật sự hài lòng về việc nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai và phân bổ ngân sách của Nhà nước chưa được tiếp cận một cách dễ dàng. Do đó, việc cải cách bộ máy hành chính cần làm tốt hơn nữa sự minh bạch, công khai.