Khánh Hòa phát động thi đua “30 ngày không giấy” thúc đẩy chính quyền số - đô thị số
Kinhtedothi – UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chính thức phát động phong trào thi đua 30 ngày đêm thực hiện “Ngày không in giấy”, “Tuần làm việc không văn bản giấy” từ ngày 15/7/2025 đến 15/8/2025. Đây được coi là bước đi thiết thực, tạo cú hích mạnh mẽ cho mục tiêu xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, tiết kiệm chi phí vận hành và nâng cao năng lực điều hành của bộ máy hành chính.
Theo kế hoạch, phong trào thi đua 30 ngày không in giấy được triển khai đồng loạt tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường, đặc khu, cùng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức sẽ tham gia, khuyến khích phát huy sáng kiến, cách làm hay trong xử lý công việc, trao đổi hồ sơ trên môi trường mạng.

Tỉnh Khánh Hòa phát động thi đua 30 ngày không in giấy thúc đẩy chính quyền số – đô thị số.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết, kế hoạch không chỉ là phong trào mang tính hình thức mà là bước thực hiện cụ thể các chủ trương lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 48-NQ/TU và Chỉ thị số 02/CT-UBND về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo tiêu chí đặt ra, 100% văn bản hành chính (trừ tài liệu mật) sẽ được xử lý, ký số và ban hành trên môi trường mạng, đảm bảo liên thông hai chiều từ tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đo lường bằng KPI cụ thể, gắn với trách nhiệm thực hiện mô hình “Ngày không in giấy - Tuần không văn bản giấy”.
Song song đó, tỉnh đặt mục tiêu đẩy nhanh số hóa giấy tờ, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cấp tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phục vụ người dân và doanh nghiệp thuận tiện, minh bạch, tiết kiệm chi phí.
Để phong trào lan tỏa sâu rộng, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Các cơ quan truyền thông, báo chí địa phương sẽ đồng hành tuyên truyền những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam kiểm tra hoạt động chính quyền 2 cấp tại phường Bắc Cam Ranh.
Công tác khen thưởng cũng được chú trọng với tối đa 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Thời gian thực hiện từ 15/7 đến 15/8/2025, hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Sở Nội vụ trước ngày 20/8 để tổng hợp.
“Việc thực hiện 30 ngày không in giấy, không văn bản giấy được kỳ vọng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn quy trình, đồng thời thay đổi thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, đo lường được bằng công cụ KPI. Đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp, người dân đồng hành cùng tỉnh, tham gia sâu hơn vào các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, cùng hướng tới một nền hành chính không giấy, thân thiện với môi trường, đúng tinh thần chuyển đổi số quốc gia” - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Sau sáp nhập, Khánh Hòa tăng bật chỉ số kinh tế, đẩy mạnh phát triển đô thị
Kinhtedothi – Sau khi chính thức sáp nhập tỉnh Ninh Thuận vào tỉnh Khánh Hòa từ 1/7/2025, “Khánh Hòa mới” đã ghi nhận nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội khởi sắc ngay trong 6 tháng đầu năm.

Hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp tại Khánh Hòa: khởi đầu nhiều kỳ vọng
Kinhtedothi - Sau sáp nhập, Khánh Hòa chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Đây được xem là bước đi quan trọng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, mang lại tiện ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Tháp Bà Ponagar và trầm hương: đòn bẩy di sản cho kinh tế - du lịch Khánh Hòa
Kinhtedothi - Việc Tháp Bà Ponagar chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt cùng Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo mà còn mở ra cơ hội lớn để Khánh Hòa khai thác hiệu quả các giá trị di sản như một đòn bẩy phát triển kinh tế - du lịch bền vững.