70 năm giải phóng Thủ đô

Cái khó của doanh nghiệp nước ngoài muốn rời khỏi Nga

Thanh Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu của Đại học Yale, chỉ một nửa trong số hơn 1.000 công ty nước ngoài thông báo ngừng hoạt động ở Nga đã rút khỏi thị trường này kể từ cuộc xung đột ở Ukraine hơn một năm trước.

Theo Financial Times, có hơn 2.000 công ty đang chờ giới chức Nga chấp thuận để rời thị trường này nhưng cơ quan xử lý đơn chỉ họp 3 lần/tháng và xem xét tối đa 7 đơn/lần. Tuy nhiên, có ba lý do chính để một công ty đang hoạt động tại Nga chưa thể rời khỏi ngay. 

Thứ nhất, lo ngại của các công ty khi rời Nga

Một số công ty lớn như McDonald’s, Starbucks đã hoàn toàn rút khỏi Nga, còn các thương hiệu khác có thể đang rút lui một cách chậm rãi vì nhiều lý do khác nhau.

Hassan Malik - nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn quản lý đầu tư Loomis Sayles nói rằng: “Từ khi quyết định cho đến lúc rút ra khỏi thị trường Nga cần phải có thời gian”.

Một số công ty cũng băn khoăn về trách nhiệm của họ đối với nhân viên bản địa khi rời đi. Arvind Krishna - Giám đốc điều hành của IBM cho biết: “Các đồng nghiệp ở Nga đã phải chịu đựng nhiều tháng căng thẳng và hoảng loạn, nhưng đó không phải lỗi của họ”.

Gã khổng lồ Unilever cho biết “Chúng tôi không nghĩ việc bỏ lại nhân viên và công nhân của mình là đúng đắn”. Hiện hơn 3.000 nhân viên ở Nga đã dừng mọi hoạt động sản xuất, nhập khẩu cũng như dòng vốn ra vào tại Nga những vẫn tiếp tục cung cấp các sản phẩm nội địa.

Thực tế có những lo ngại khi họ ngừng hoạt động tại Nga. Unilever cho biết nếu họ từ bỏ hoạt động kinh doanh và thương hiệu tại Nga thì chúng sẽ được điều hành bởi nhà nước Nga.

Bán doanh nghiệp cũng không phải là lựa chọn tốt. Cho đến nay, họ vẫn chưa thể tìm được giải pháp tốt nhất mà Nga không có nhiều lợi ích trong đó.

Thứ hai, chiến lược của Điện Kremlin

Chính phủ Nga làm khó các công ty muốn rời đi ngay sau khi các nước bắt đầu áp lệnh trừng phạt đối với Điện Kremlin về cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo văn bản được Bộ Tài chính Nga công bố, nhà đầu tư thuộc các quốc gia tham gia trừng phạt Nga, khi bán doanh nghiệp đều phải quyên góp ít nhất 10% số tiền bán được cho ngân sách Nga.

Khoản quyên góp này nằm trên khoản cắt giảm 50% giá bán tài sản của họ, khoản tiền này do các nhà đầu tư phải gánh chịu.

Malik chia sẻ: “Những rào cản này còn cộng thêm việc phải có chấp thuận từ Điện Kremlin và áp lực ngầm đối với người sử dụng lao động - một chiến thuật mà ông Putin đã sử dụng trong nhiều năm”.

Ví dụ như ông lớn McDonald’s bán doanh nghiệp cho một công ty địa phương vào tháng 5/2022. Trong đàm phán, người mua phải tiếp tục duy trì thuê và trả tiền cho các nhân viên của McDonald’s tại Nga trong vòng 2 năm sau khi đàm phán xong.

Do đó các công ty muốn rời khỏi Nga buộc phải tìm người mua mà sẽ tiếp tục điều hành kinh doanh tại Nga, dưới một thương hiệu khác. Số lượng người mua cũng bị hạn chế do lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.

Những chính sách này cùng với chiến dịch động viên quân của Điện Kremlin đã giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và nền kinh tế Nga tỏ ra kiên cường sau một năm xung đột. Nhưng thời gian sẽ trả lời.

Tài phiệt ngành nhôm - ông Oled Deripasska phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Krasnoyarsk ở Siberia ngày 2/3 cho biết: “Nga sẽ cần nhà đầu tư nước ngoài vì nguồn vốn đang cạn kiệt và sẽ không còn tiền cho năm tới”.

Chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến các công ty khó có thể rời khỏi Nga. Ảnh: Business Insider
Chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến các công ty khó có thể rời khỏi Nga. Ảnh: Business Insider

Thứ ba, các công ty đa quốc gia bị gián đoạn chuỗi cung ứng

Nhiều doanh nghiệp ở Nga là công ty đa quốc gia, việc đóng cửa hoạt động ở nước này có thể gây ra hiệu ứng domino đối với hoạt động kinh doanh của họ tại nơi khác.

Saul Estrin - Giáo sư tại Trường Kinh tế London và Klaus E. Meyer - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Ivey giải thích trong một phỏng vấn: “Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các công ty con chỉ có vai trò bán hàng và dịch vụ, tuy nhiên, như Starbucks và McDonald’s, sự phụ thuộc giữa các cửa hàng khá cao, một chi nhánh đóng cửa cũng gây gián đoạn cho công ty mẹ. Chuỗi cung ứng toàn cầu khá phức tạp, các công ty trong ngành công nghiệp ô tô và máy công cụ cũng phải thay đổi quy trình mua hàng của họ nếu đóng một cửa hàng”.