Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái lợi khi vợ biết lái xe!

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bây giờ cứ mỗi dịp lễ, tết, gia đình Hải lại sinh hoạt kiểu 50/50, nghĩa là được nghỉ 4 ngày thì 2 hôm ở nhà nội, 2 ngày sang bên ngoại.

Nói theo cách của Hải là “cho công bằng”, bởi từ lúc cưới cho đến nay đã hai mặt con, nhưng mỗi khi về quê, Hương đều ấm ức vì “nhất bên trọng - nhất bên khinh”!

Hải và Hương có thể coi là bạn thanh mai trúc mã, bởi họ đã có 3 năm học cùng nhau thời THPT. Khi thi vào đại học, họ đều đăng ký cùng một trường, nhưng lần thi thứ 2, Hải mới thi đỗ. Suốt 4 năm, Hải chỉ chuyên tâm vừa học vừa đi làm nuôi thân bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Còn Hương có cuộc sống khá suôn sẻ, học xong đại học, cô được một doanh nghiệp có tên tuổi nhận về làm với mức lương khá cao.

Cuộc sống cứ thế êm ả trôi đi, chả mấy chốc bạn bè cùng học đã yên bề gia thất. Nhưng riêng Hương và Hải, dù đã đến tuổi “băm”, và đã trải qua một vài mối tình nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Được bạn bè vun vào, thế là chẳng cần tìm hiểu nhiều nữa, họ đã đến với nhau và ngày cưới của hai người biến thành ngày họp lớp. Bạn bè gần như có mặt đầy đủ, ai cũng mừng bởi cuối cùng thì họ cũng có đôi, thành cặp.

Sau 5 năm cưới nhau, do cả hai đều có công việc ổn định, mức thu nhập khá nên chả mấy khó khăn, vợ chồng Hải đã tậu được nhà và xe. Vậy là cứ hễ được nghỉ vài ngày, vợ chồng con cái “dông” một mạch, bởi quê của họ chỉ cách

Hà Nội vài tiếng chạy xe. Vì nhà đông anh em, mà Hải lại là con trưởng nên mỗi lần vợ chồng anh về quê là dịp để cả gia đình tụ tập. Vào những dịp như vậy ai cũng thấy ấm cúng. Trong những cuộc đó, bố mẹ Hải là người vui nhất, bởi vợ chồng anh đã sinh cho họ hai đứa cháu đủ nếp tẻ và xinh như vẽ.

Vào mỗi dịp tụ tập, hai đứa con của Hải trở thành trung tâm, ai cũng muốn bế ẳm hôn hít các cháu. Và Hương được cả gia đình nhà chồng đưa lên mây vì vừa giỏi kiếm tiền, vừa khéo việc nhà và quan trọng nhất là biết đẻ!

Tuy về quê nhiều, nhưng phần lớn thời gian đều tụ tập ở bên nội, khiến Hương đôi lúc cũng chạnh lòng, vì bố mẹ cô cách nhà chồng chỉ mươi cây số. Thế nhưng chẳng mấy khi cô có thời gian ghé thăm gia đình, nguyên nhân chỉ vì tần suất nhậu của Hải quá dày, mà khi rượu vào thì ai còn dại gì cầm vô lăng.

Đợt nghỉ lễ vừa rồi (vì được nghỉ dài ngày), Hải đưa gia đình đi biển, sau đó vẫn điệp khúc “say nên không đưa vợ con về ngoại”. “Ôm cục tức” vì lâu ngày không được thăm bố mẹ, hết kỳ nghỉ Hương âm thầm đăng ký học lái xe. Dù không ngăn cản vợ, nhưng Hải có ý coi thường, bởi quan niệm “lái xe là chuyện nên dành cho đàn ông”…

Sau gần nửa năm ôn luyện, kỳ sát hạch vừa rồi, Hương đã được cấp giấy phép lái xe. Khỏi phải nói cô mừng như thế nào, bởi từ nay (mỗi lần về quê), dẫu Hải có say đi chăng nữa, cô cũng tự lái xe về nhà mẹ đẻ mà chẳng phiền đến ai.

Lúc Hương mới được cấp giấy phép, mỗi lần vợ ngỏ lời xin cầm lái, Hải đều “rất tinh tướng” khi nói rằng “chả ai dại gì leo cây mà ngồi cành mục”. Rồi khi Nhà nước ra chủ trương phạt nặng người điều khiển phương tiện mà uống bia rượu. Dù là người uống “chưa bao giờ thấy say”, nhưng một số bạn bè đã bị phạt đến kịch khung, khiến Hải đâm chờn.

Tranh thủ những ngày cuối tuần, Hải bèn đưa vợ đi bổ túc tay lái, và sau thời gian vài tháng, Hương đã điều khiển xe ô tô một cách nhuần nhuyễn. Từ đấy mỗi khi tụ tập bạn bè, Hải lại là người “đắc lợi” bởi trong lúc nhiều ông phải uống nước ngọt thì y vẫn có thể uống rượu vì đã có Hương đưa về! Thấy được “cái lợi” khi bà xã biết điều khiển ô tô, bạn bè của Hải nhiều ông đã vận động vợ đi học lái xe.

Từ đấy vợ chồng Hải ngầm ước với nhau là mỗi dịp về quê, sẽ chia đôi thời gian - nội một nửa, ngoại một nửa để “đảm bảo công bằng”… Riêng Hải còn “khám phá” ra một điều là mẹ vợ anh nấu ăn rất đỉnh.

Mỗi khi con rể và cháu ngoại về thăm, mẹ Hương đều trổ tài nấu những món rất hợp với dân nhậu. Khoản rượu của bố vợ được ngâm lâu ngày nên rất đậm và êm, lại có thêm mấy đứa em trai Hương làm bạn nhậu khiến Hải mê tít.