Cấm vận Nga: Nhiều nước EU ngại vạ lây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nước châu Âu e ngại việc thực hiện cấm vận lên Nga khi mà chiếc boomerang EU quăng đi đang quay trở lại nơi nó xuất phát và gây nên những tác động không hề nhỏ.

Các chuyên gia thuộc Danske Bank, ngân hàng có quy mô lớn nhất Đan Mạch, khi phân tích những ảnh hưởng của khủng hoảng tại Ukraine đến kinh tế châu Âu đã rút ra kết luận: Những biện pháp trừng phạt mà EU và Nga đang áp đặt cho nhau sẽ được dỡ bỏ chậm nhất là sau 3 tháng nữa.

“Những căng thẳng từ cuộc chiến thương mại đang gây nên những tổn thất to lớn cho cả hai phía là cộng đồng châu Âu và Nga. Vì vậy từ 1 đến 3 tháng nữa, EU sẽ phải tự dỡ bỏ lệnh cấm vận mà họ đã áp đặt đối với Nga và nước Nga cũng sẽ có những bước đi tương tự tiếp ngay sau đó” – các chuyên gia của Danske Bank dự báo.

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia, thực ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine không có ảnh hưởng lớn tới tình hình chung của nền kinh tế EU, tuy nhiên nó lại đang gây nên những phản ứng tiêu cực cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của các nước trong cộng đồng châu Âu.

Lấy các nước Bắc Âu làm ví dụ thì Phần Lan là nước bị tổn thương nhất do lệ thuộc lớn vào Nga cả trong tiêu thụ sản phẩm, du lịch lẫn đầu tư. Trong khi đó thì Na Uy xét về triển vọng có thể sẽ là nước được hưởng lợi nếu EU thay đổi chiến lược hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng.

Theo hãng tin Itar – Tass, phát biểu trên đài truyền hình Yle, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb đã tuyên bố để tránh bị Moscow cấm nhập khẩu hàng thực phẩm của mình, Phần Lan sẽ không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Ông A.Stubb còn cho biết, hôm 12/8, quan điểm này đã được ông gửi đến đến các lãnh đạo của Cộng đồng châu Âu và Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Thông điệp của tôi gồm 2 điểm: Chúng tôi sẽ không áp đặt lệnh trừng phạt nào đối với LB Nga và khu vực nông nghiệp của Phần Lan rất cần tới sự hỗ trợ”.

Ông còn cho biết thêm, quan hệ kinh tế giữa Phần Lan và LB Nga đã và đang phát triển rất tốt đẹp và “chúng tôi sẽ phải tận dụng tối đa những lợi thế này”.

Số liệu thống kê cho thấy, Nga là bạn hàng lớn nhất của Phần Lan. Kim ngạch thương mại với Nga chiếm 13,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Phần Lan (năm 2013, kim ngạch thương mại giữa 2 nước là 21,1 tỷ USD).

Còn theo Dutch New, Chủ tịch Hiệp hội tuyển dụng lao động Hà Lan – Hans de Boer cho rằng, thiệt hại từ những biệp pháp trừng phạt “trả đũa” mà Nga đang áp đặt cho Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể còn lớn hơn rất nhiều so với mức dự kiến lạc quan ban đầu. Cụ thể, đối với Hà Lan, mức thiệt hại có thể lên tới 1,5 tỷ Euro chứ không phải như mức 500 triệu Euro như đã dự báo. Đó là còn chưa tính đến hậu quả mà các thương gia Hà Lan đang làm việc ở Đông Âu để đưa hàng nông sản thực phẩm vào Nga phải gánh chịu. Hiện nay, có khoảng 300 chiếc xe vận tải quá cảnh chở hàng thực phẩm của Hà Lan bị ách tắc tại các cửa khẩu mà do lệnh cấm vận đã không thể đi tiếp được và điều này đang làm các mặt hàng thực phẩm tại Hà Lan rớt giá mạnh.

Cũng theo Itar Tass, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp và trồng trọt của Hà Lan – Albert Jan Maat đã nhận xét, lệnh cấm vận mà Nga đang triển khai đang gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của nước này. Trong phát biểu của mình, ông Albert Jan Maat nhấn mạnh: “Hà Lan đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nông sản và Nga là 1 thị trường tiêu thụ rất quan trọng. Mặc dù hiểu rằng hiệp hội cũng phải ủng hộ các chính sách chung của EU, nhưng do những tác động tiêu cực đang diễn ra, chúng tôi đề nghị vấn đề này phải được xem xét và thảo luận nghiêm túc ở cấp độ liên minh châu Âu”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Hà Lan, năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của nước này là 78 tỷ Euro, trong đó thị trường Nga chiếm 1,5 tỷ Euro.

Còn bình luận viên của tạp chí Forbes –  Mark Adomanis thì cho rằng, các chính trị gia và các chuyên gia phương Tây đã quá “lạc quan” khi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với LB Nga. Họ đã sai lầm khi cho rằng Nga sẽ không trụ vững được lâu. Mặc dù thời gian gian gần đây, nền kinh tế của Nga không thật sáng sủa nhưng cũng không quá ảm đạm. Tăng trưởng kinh tế Nga trong quý II là 0,8%/năm (chậm hơn so với quý I – 0,9%/năm). Điều đó cho thấy, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng, dù cho mức tăng trưởng này nhỏ và quan trọng hơn, bất ổn xã hội do cuộc sống khó khăn đã không xảy ra ở Nga .