Kiêm nhiệm nhưng phụ cấp thấp
11 năm làm cán bộ không chuyên trách của xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Ngọc Châu (33 tuổi), từng trải qua các vị trí công tác như thường trực khối vận, cán bộ lao động thương binh xã hội của xã, cán bộ tổ chức thuộc Đảng ủy xã và Hội Chữ thập đỏ xã.
Thực hiện Nghị định 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách, xã Tân Thới Nhì giảm lượng cán bộ khối Văn phòng Đảng ủy, chị Châu được phân công vừa làm công tác ở Hội chữ thập đỏ vừa kiêm nhiệm công tác tổ chức của Đảng ủy. Với một xã có hơn 30.000 dân, phải làm công tác kiêm nhiệm thì khối lượng công việc của một cán bộ không chuyên trách như chị Châu rất lớn.
Theo chị Châu, xã Tân Thới Nhì có khoảng 400 đảng viên, với vai trò là cán bộ phụ trách công tác tổ chức đảng, chị phải thực hiện hầu hết các công việc từ báo cáo công tác tổ chức đảng, hồ sơ đảng viên, công tác đảng viên, chuyển sinh hoạt đảng hay kết nạp đảng viên…chưa kể phải thực hiện trách nhiệm của một cán bộ Hội chữ thập đỏ của xã.
Chị Lê Thị Ngọc Châu cho biết: "Lượng công việc tăng gấp đôi. Riêng công tác tổ chức của Đảng thì phải liên tục, liên tục và kịp thời. Công tác hội cũng vậy. Ví dụ như trong công tác hội thì tôi phải thực hiện chăm lo sau nhân đạo, tổ chức phát quà ở ấp hoặc làm công tác hiến máu... Nhiều khi hai công tác bị trùng thời gian nên cũng rất khó khăn".
Cũng là cán bộ không chuyên trách thực hiện công tác kiêm nhiệm, anh Nguyễn Văn Tú (40 tuổi, ngụ ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) được giao nhiệm vụ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã và Phó Bí thư chi bộ của ấp. Ngoài ra, anh còn phải kiêm nhiệm thêm vai trò, vị trí ở Hội Cựu chiến binh xã và một số công việc của khối chính quyền. Anh Tú cho biết, khối lượng công việc của cán bộ cấp xã ngày càng tăng nhưng thu nhập chưa có nhiều chuyển biến.
Phải làm thêm để trang trải cuộc sống
Nếu ở TP Hồ Chí Minh, cán bộ không chuyên trách như chị Lê Thị Ngọc Châu được hưởng phần thu nhập tăng thêm của TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cán bộ, công chức nên đời sống đỡ eo hẹp hơn so với trước đây, thì cán bộ không chuyên trách ở cấp xã tại các địa phương khác chỉ nhận phụ cấp với mức lương cơ bản nhân với hệ số theo quy định.
Anh Nguyễn Văn Tú cho biết, thu nhập thấp đang khiến cán bộ không chuyên trách như anh gặp nhiều khó khăn: "Từ năm 2015 cho đến nay, tôi nhận mức phụ cấp là bằng 1.7 theo hệ số lương cơ sở. Phụ cấp đó, đối với một người hoạt động không chuyên trách không đủ trang trải cho cuộc sống cho bản thân. Cho nên, ngoài giờ làm việc tôi cũng phải tìm công việc này, công việc kia để làm thêm, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình".
Theo ông Nguyễn Văn Giàu- Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, cán bộ không chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp nhưng công việc đảm nhiệm giống như một cán bộ chuyên trách. Họ phải làm rất nhiều việc, từ văn bản chuyên môn, báo cáo, công văn, thông báo kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền…..
Ông Nguyễn Văn Giàu kiến nghị: “Cấp trên cần có chế độ, chính sách đặc biệt đối với những cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng lương như người hoạt động chuyên trách để thu nhập của họ ổn định hơn, từ đó yên tâm công tác tốt hơn".
Về vai trò của cán bộ không chuyên trách cấp xã, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cần kết thúc vai trò lịch sử của cán bộ không chuyên trách, thay vào đó là biên chế công chức cấp xã, để gắn công việc với trách nhiệm. Cũng đã có không ít ý kiến kiến nghị lên Trung ương về việc quy định cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, thậm chí công tác tổ chức đảng, công tác kiểm tra của đảng là công chức.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, những vấn đề trên chưa được Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: "Hiện nay chưa sửa Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức. Cho nên bây giờ nếu chúng ta quy định các chức danh này là công chức thì không phù hợp với luật. Trong dự kiến rà soát để sửa Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức giai đoạn 2025, chúng ta cũng phải đặt vấn đề này ra. Từ đó dần hướng tới việc kiện toàn chính quyền cấp xã".
Khái niệm công chức cấp xã được thực hiện theo Nghị quyết số 17 ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp đó được quy định tại Luật Công chức sửa đổi năm 2003, Luật Công chức, viên chức năm 2010. Qua hơn 20 năm, với cán bộ phục vụ trong hệ thống chính quyền cấp xã, đến nay vẫn tồn tại lực lượng chuyên trách và không chuyên trách như nước ta là trường hợp cá biệt. Khi chúng ta đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì đi cùng với đó là việc sử dụng những cán bộ có năng lực.
Song để mỗi cán bộ tận tâm, trách nhiệm với nghĩa vụ được giao thì đi kèm với đó là quyền lợi tương xứng. Những chính sách phù hợp với lực lượng cán bộ không chuyên trách, hay "công chức hóa" cán bộ không chuyên trách trong thời điểm này có lẽ là biện pháp phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng một chính quyền phục vụ, một nền hành chính công ngay từ cấp xã, phường.