Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Giải pháp quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 7/11.
Nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn bất cập
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp. Đồng thời có 4 Hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm gồm Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm (Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (Ứng Hòa), Hợp tác xã Hồng Vân (Thường Tín).
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Tiến Định - Cục Kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nêu rõ, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, loại hình du lịch này nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.
Phản ánh những bất cập trong quá trình khai thác loại hình du lịch này, bà Trần Thị Lan - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thông tin, không ít mô hình còn sao chép lẫn nhau chưa tạo ra nét riêng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng. Nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau dẫn đến chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. “Chủ thể phát triển du lịch nông thôn là các hộ dân địa phương nên vẫn “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến chưa tạo ra bức tranh du lịch tổng thể" – bà Lan đánh giá.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến
Góp ý vào việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ thể khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng xanh và bền vững, TS Đoàn Mạnh Cương -Vụ Văn hóa - Giáo dục, Văn phòng Quốc hội nêu rõ, trong thời gian tới cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế chính sách tác động vào việc cung cấp và giá cả của các yếu tố đầu vào sản phẩm du lịch.
“TP Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch này”-ông Cường kiến nghị.
Đồng tình với góp ý này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chiến lược và Chính sách phát triển (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) TS. Nguyễn Văn Thắng hiến kế, thời gian tới Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn. Cũng như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở thu gom và xử lý rác. “Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí điểm đến du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới qua đó định hướng cho các địa phương đầu tư xây dựng”-ông Thắng chia sẻ.
Còn Trưởng khoa du lịch Trường Đại học Công nghệ Đông Á Nguyễn Đức Thắng cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn từ đó thống nhất cách thức quản lý. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế qua đó huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty du lịch Travelogi Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, trước mắt ngành du lịch cần xác định được đối tượng khách du lịch mục tiêu từ đó đưa ra các hoạt động tiếp thị sản phẩm phù hợp. “Thị trường chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn là khách du lịch nội địa bởi hiện nhu cầu về thực phẩm sạch và môi trường xanh, trải nghiệm lối sống truyền thống của những người dân sống ở các thành phố là rất lớn, đây sẽ là nguồn thu đáng kể đối với loại hình du lịch này của TP. Hà Nội” - ông Tuyên phân tích.
Trước những đóng góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Trong đó đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. TP cũng đã chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương.