Cần công khai thông tin quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công khai quy hoạch là một quy trình bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, cả người dân và DN vẫn khó khăn khi tiếp cận một đồ án quy hoạch. Làm thế nào để những thông tin quy hoạch chính xác, minh bạch dễ dàng đến với mọi người dân trong xã hội luôn là câu hỏi được quan tâm.

Người dân, doanh nghiệp đều chật vật
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Sửa đổi bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch 2018… đều đã quy định đầy đủ về nội dung, cách thức, trách nhiệm trong việc công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, việc thực hiện của các cấp ngành, địa phương về vấn đề này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ví như, việc trưng bày thường xuyên liên tục những đồ án quy hoạch tại các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được duy trì; việc cập nhật tình hình triển khai thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được thực hiện đầy đủ… Vì vậy, người dân rất khó theo dõi, giám sát.
Người dân xem trưng bày Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc. Ảnh: Vũ Lê
Thông tin về các đồ án quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết gắn chặt với cuộc sống, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Do đó, việc công khai để người dân biết, thực hiện và giám sát là yêu cầu đã được luật hóa. Nếu thông tin về quy hoạch không được công khai một cách đầy đủ dẫn đến người dân thiếu niềm tin trước những thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, ngay cả khi việc điều chỉnh đó được thực hiện đúng quy trình và nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến, một bản quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền duyệt hiện nay mới chỉ dừng ở mức tổ chức công bố với sự tham gia của một số ít đại diện người dân, báo chí đưa tin rồi sau đó bản quy hoạch nằm ở đâu không ai biết. Chính vì không rõ thông tin nên mỗi khi nói đến điều chỉnh quy hoạch là người dân liền phản ứng tiêu cực, phản đối dẫn đến nhiều hệ lụy. Để người dân có niềm tin và ủng hộ các quy hoạch điều chỉnh chỉ còn cách công khai hóa rộng rãi, nói rõ lý do điều chỉnh thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản.

Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị cũng đã có quy định bắt buộc phải lập Chương trình phát triển đô thị. Kế hoạch ưu tiên phát triển khu vực nào, dự án nào, tính chất, quy mô, đều phải được công khai hóa để các nhà đầu tư, Nhân dân được biết. Khu vực ưu tiên sẽ được lập quy hoạch phân khu để hình thành dự án, công khai hóa để người dân giám sát. Thế nhưng, trên thực tế việc cung cấp thông tin về đất đai cho người dân còn hạn chế, thông tin về quy hoạch sử dụng đất còn chung chung. Việc công khai, minh bạch thông tin tại UBND các cấp hiện nay vẫn chưa chủ động và cập nhật thường xuyên. Khi muốn tiếp cận thông tin quy hoạch, người dân phải làm thủ tục xin cấp thông tin từ cơ quan quản lý mất rất nhiều thời gian.

Việc người dân mù mờ về thông tin quy hoạch sẽ gây khó khăn trong xây dựng nhà cửa, mua bán bất động sản hay là sự ngờ vực về thay đổi của các dự án bất động sản, công trình công cộng. Còn đối với các DN khi quy hoạch không được công khai một cách đầy đủ thì sẽ trở thành rào cản hạn chế khả năng tiếp cận dự án. Bên cạnh đó, đây cũng chính là những kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm phát sinh, tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN.

Chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản cho hay, hiện nay, việc tiếp cận và có được dự án đối với DN là vô cùng khó khăn, không biết tìm nguồn từ đâu. Do đó, các cơ quan quản lý về quy hoạch, chính quyền các địa phương cần có thay đổi về phương thức kêu gọi đầu tư, chủ động thông tin đến DN về các dữ liệu đầu vào như vị trí, ranh giới, quy mô, tính chất dự án, quy định pháp luật về mặt quy hoạch đối với vị trí khu đất… để kêu gọi đầu tư. Như vậy sẽ vừa phát huy hiệu quả đất đai của Nhà nước, vừa tạo sự công bằng trong tiếp cận đất đai đối với DN.

Công khai nhưng cần minh bạch

Trên thực tế, thời gian qua, việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, đất đai, đã được triển khai rộng rãi ở các quận, huyện, thị xã của

Hà Nội, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì vẫn còn những hệ lụy khi thông tin về quy hoạch đến với người dân chưa được minh bạch và kịp thời. Tại nhiều dự án, nhất là các dự án liên quan đến đất đai, GPMB các tuyến đường còn chậm tiến độ do người dân phản đối và cho rằng có sự mập mờ, nắn chỉnh quy hoạch.
Hay thời gian gần đây là tình trạng sốt đất tại liên quan đến thông tin một số huyện của Hà Nội sẽ được quy hoạch lên TP. Thậm chí, việc mua bán đất đai ngoài đê sông Hồng đã rầm rộ, giá đất đã tăng gấp 1,5 - 2 lần khi bản Quy hoạch phân khu sông Hồng mới chỉ đang được đưa ra lấy ý kiến bộ, ngành.

Hà Nội hiện đã có trang thông tin về quy hoạch nhưng việc tra cứu mới chủ yếu là xem bản đồ, chưa có các thông tin cơ bản kèm theo. Còn với một số trang thông tin quy hoạch của các bộ ngành, thông tin được đăng tải vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân và DN khi có nhu cầu tra cứu thông tin về kế hoạch sử dụng đất, dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch…

Theo phân tích của các chuyên gia quy hoạch, sự hạn chế của việc công khai quy hoạch nằm ở chính những quy định hiện hành về cách thức công khai. Công khai quy hoạch hiện có nhiều hình thức như: Công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng; tổ chưc hội nghị công bố; trưng bày công khai, thường xuyên liên tục các pano, bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng, cơ quan quản lý, tại UBND cấp xã phường đối với quy hoạch chi tiết xây dựng… Tuy nhiên, công khai theo cách nào vẫn do thủ trưởng cơ quan quyết định và chính quyền còn thiếu quan tâm, chú trọng thì chất lượng công khai quy hoạch chưa thể chuyển biến.

Từ cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã có yêu cầu UBND các tỉnh, TP đăng tải các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt lên cổng thông tin điện tử www.quyhoach.xaydung.gov.vn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Xây dựng cho biết vẫn còn những địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế. Do đó, vào cuối tháng 10/2021 vừa qua, Bộ này lại tiếp tục có văn bản đốc thúc các địa phương về việc thực hiện đăng tải công khai thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã giao

Sở QH - KT chủ trì, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP trong tháng 11/2021.

"Để người dân nắm bắt được thông tin quy hoạch một cách tốt nhất, các địa phương nên xây dựng sổ tay quy hoạch cho nhữ̃ng đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Trong sổ tay đó mọi vấn đề được diễn giải một cách cụ thể và bản đồ số phải được công khai bằng hình ảnh và thông tin. Có như vậy, người dân mới có thể biết để làm, để bàn khi được hỏi ý kiến và có thể kiểm tra quá trình thực thi quy hoạch trên thực tế có đúng theo quy hoạch được lập hay không." - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần